Theo ông Dương Văn An, nếu chọn cấp trưởng không đúng sẽ gây “tổn hại” cho cơ quan đó ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm, thậm chí nhiều năm sau đó.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho biết tỉnh đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo kết luận của Trung ương và sắp xếp lại tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cơ cấu lại để nâng cao chất lượng và tinh giản biên chế.
Vĩnh Phúc dự kiến hợp nhất những đầu mối bên trong các sở, ngành có tên gọi và chức năng trùng nhau như văn phòng, thanh tra; sáp nhập những phòng ban có chức năng tương tự và theo hướng dẫn của trung ương. “Chúng tôi chủ động sắp xếp đồng thời với trung ương, huyện làm đồng thời với tỉnh. Khi phương án của tỉnh được trung ương thống nhất thì sẽ thực hiện ngay”, ông nói.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, do số cơ quan thuộc diện sắp xếp lớn, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đang giữ chức lãnh đạo. Vì vậy, ông đã gặp gỡ trao đổi, nêu quan điểm, chủ trương của Trung ương, nhất là của Tổng Bí thư Tô Lâm và làm rõ mục tiêu, ý nghĩa cấp bách của việc tinh gọn bộ máy, khơi gợi tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức.
Quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện công khai, minh bạch, dựa trên các tiêu chí rõ ràng. Trước hết, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo của Tỉnh ủy) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí bố trí cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong trường hợp dôi dư phải sắp xếp. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù của tỉnh trên cơ sở đảm bảo hài hòa với chính sách của Trung ương nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời người dôi dư.
Bên cạnh đó, các cơ quan cũng nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ trước khi sắp xếp. Mỗi cá nhân, nhất là cán bộ giữ chức vụ và công chức ở các cơ quan sáp nhập hoặc kết thúc nhiệm vụ sẽ đăng ký 1-2 nguyện vọng cá nhân.
“Với hai cơ quan hợp nhất, chỉ một người giữ vị trí cấp trưởng, người còn lại có thể đến đơn vị khác làm lãnh đạo nếu trình độ năng lực phù hợp hoặc chấp nhận xuống cấp phó, thậm chí lựa chọn nghỉ hưởng chế độ”, ông An cho hay.
“Trong sắp xếp, bố trí, sử dụng phải lựa chọn những cán bộ thật sự có đức, có tài, tâm huyết, vì dân, vì nước, vì lợi ích chung. Trong đó, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công việc và uy tín là thước đo, là tiêu chí hàng đầu. Thực hiện nội dung công tác cán bộ, nhất là đánh giá, nhận xét, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải được bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng quy định” – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An.
Ông phân tích theo logic là nhập bao nhiêu cơ quan thì sẽ thừa bấy nhiêu lãnh đạo, nhưng thực tế mỗi địa phương khác nhau. Đối với Vĩnh Phúc, hiện một số đơn vị chưa có cấp trưởng nên việc sắp xếp thuận lợi hơn và tỉnh sẽ lựa chọn cán bộ kỹ lưỡng hơn.
Để tránh lo ngại “giữ lại Lý Thông mà bỏ qua Thạch Sanh” khi sắp xếp bộ máy, ông An cho rằng cần bám tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được ban hành, sau đó đánh giá trình độ năng lực, uy tín, trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ để chọn người phù hợp. Quá trình đánh giá phải lắng nghe nhiều chiều, nhiều nguồn và chắt lọc thông tin, quan trọng nhất là sự tín nhiệm của tập thể.
“Cần phải để tập thể thể hiện tín nhiệm thông qua lá phiếu, đảm bảo công khai minh bạch, tránh việc làm đúng quy định, đúng quy trình mà vẫn không chọn đúng người”, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nói.
Ông cho biết sau khi có đánh giá cán bộ, tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ thảo luận kỹ lưỡng nhiều chiều, không áp đặt ý chí chỉ chủ quan của người chủ trì. Mỗi quyết định về công tác cán bộ sẽ quyết định đến sự phát triển của một mỗi cơ quan, đơn vị và đất nước. Nếu chọn một ông cấp trưởng “không ra gì” thì sẽ gây “tổn hại” cơ quan đó ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm, thậm chí nhiều năm sau đó.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đánh giá việc sắp xếp bộ máy sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của mỗi địa phương vì bộ máy khi tinh gọn sẽ làm việc hiệu quả hơn. Sắp xếp bộ máy “giống như một cuộc thay máu”, để từng cơ quan, đơn vị “khỏe mạnh” hơn và làm việc tốt hơn. Tinh gọn bộ máy cũng giúp giảm chi hành chính rất lớn, từ việc giảm chi thường xuyên, chi lương, mua sắp trang thiết bị, đến tiết kiệm trong vận hành trụ sở cơ quan…
Rà soát tổng thể đội ngũ cán bộ công chức
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng cải cách hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị nhằm hướng đến mục tiêu “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. Một quan chức nước ngoài tham gia dự án cải cách hành chính của Việt Nam từng hỏi ông là: “Các ngài làm gì mà bận thế? Suốt ngày thấy đi họp. Đáng ra các ngài phải làm chiến lược, tạo ra thị trường, tìm kiếm các mối quan hệ để tạo cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp họ làm ăn, thì các ngài lại đi mít tinh, festival, phát động phong trào…”.
“Khi còn đương chức Thứ trưởng Nội vụ, có một năm tôi xếp tất cả giấy mời họp vào một chỗ. Cuối năm đếm được hơn 400 cái. Đó là chưa kể mời họp bằng điện thoại, mời miệng. Nếu cuộc nào cũng dự thì quanh năm chỉ có họp. Thế thì còn đâu thời gian mà tư duy, nghiên cứu cái gì nữa”, ông nói.
Theo nguyên Thứ trưởng Nội vụ, có chuyên gia nước ngoài khi nghe báo cáo đơn vị này có 80%, đơn vị kia 90% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ, họ nói: “Sao các ông sử dụng chất xám lãng phí thế. Chính phủ của chúng tôi chỉ có hai người là tiến sĩ thôi, không có một giáo sư nào”.
Do đó để sắp xếp cán bộ công chức sau khi tinh gọn bộ máy, ông Phúc cho rằng việc đầu tiên cần làm là rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức. Mỗi cơ quan, tổ chức phải xác định chức năng, nhiệm vụ ổn định tương đối trong 5 đến 10 năm. Từ chức năng nhiệm vụ này, cần làm rõ sản phẩm của họ là gì? Với sản phẩm ấy thì cần bao nhiêu người và trình độ gì?
“Từ đó mới xác định bộ phận đó cần bao nhiêu công chức cao cấp, bao nhiêu chuyên viên chính, bao nhiêu công chức thường và bao nhiêu người phục vụ. Khi ấy mới định biên được là cơ quan này cần bao nhiêu biên chế để sắp xếp, tuyển dụng cho phù hợp”, nguyên Thứ trưởng Nội vụ nói.
Tại hội nghị cuối 11, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Ông yêu cầu “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”. Các cơ quan phải hoàn thành tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong quý 1/2025.
Vĩnh Phúc dự kiến hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Lao động Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ. Chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội sẽ chuyển sang Sở Y tế; nhiệm vụ giảm nghèo chuyển về Ban Dân tộc.
Sở Ngoại vụ kết thúc hoạt động, chuyển chức năng nhiệm vụ về Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy. Thư viện và Bảo tàng tỉnh dự kiến sẽ sáp nhập do hiệu quả hoạt động của thư viện không cao.
Tỉnh sẽ giảm 15 tổ chức đảng; chuyển giao 88 tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và 57 tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh về tổ chức đảng các địa phương. Khối các cơ quan Đảng giảm một cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và giảm 9 cơ quan tham mưu cấp huyện.
Số lượng lãnh đạo (nếu theo khung số lượng theo quy định) dôi dư sau sắp xếp khoảng 20 người. Khối cơ quan Nhà nước cấp tỉnh giảm 6 sở, 12 phòng, 8 chi cục, 22 đơn vị sự nghiệp. Tổng số dôi dư sau sắp xếp khoảng 295 người, trong đó có hai giám đốc sở và tương đương, 9 phó giám đốc sở, 8 chi cục trưởng, hai giám đốc và 5 phó giám đốc ban quản lý, 12 trưởng phòng Sở, 8 giám đốc các trung tâm thuộc sở, 58 trưởng phòng và tương đương cấp huyện…
Lan Hạ – Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tranh-chon-ly-thong-bo-qua-thach-sanh-khi-sap-xep-bo-may-4828307.html