Nghệ AnLòng sông, cửa biển ở thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu bị bủa vây bởi hàng nghìn cọc tre, bè mảng nuôi hàu khiến dòng chảy thay đổi, cản trở tàu thuyền.
Sông Mai Giang (hay còn gọi là Hoàng Mai) dài 18 km, chảy qua phường Mai Hùng, Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện, Quỳnh Liên, xã Quỳnh Lập… của thị xã Hoàng Mai. Hàng chục năm qua, người dân nơi đây thường làm bè mảng rộng 10-20 m2, đóng cọc tre dài 2-3 m neo lại, sau đó mua dây và vỏ hàu về buộc vào bè thả xuống sông để hàu làm tổ sinh trưởng, đến kỳ thu hoạch bán.
Dọc bờ sông Mai Giang chảy từ phường Mai Hùng đến cửa biển Lạch Cờn, thuộc phường Quỳnh Phương có hàng nghìn bè mảng kết bằng tre, xung quanh cọc tre đóng chi chít. Từ bờ bắc sang bờ nam dài hàng chục mét, nhiều chỗ giàn tre nuôi hàu phủ kín quá 1/3 lòng sông.
Hiện mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền đánh bắt hải sản thường xuyên về neo đậu tại các cửa sông, cửa biển ở thị xã Hoàng Mai. “Khi thủy triều dâng, các cọc tre từ bãi hàu chìm dưới nước tạo thành những cái bẫy. Dù người dân có gắn cờ cảnh báo, những lúc mưa bão hoặc những ai không am hiểu địa hình thì rất dễ lái tàu thuyền va trúng cọc tre khiến hư hỏng”, một ngư dân cho hay.
Theo thống kê của thị xã Hoàng Mai, địa bàn có hơn 200 hộ nuôi hàu trên sông Mai Giang. Người dân đa phần nuôi tự phát, có vài chục hộ thực hiện theo dự án tài trợ của tổ chức phi chính phủ. Trước đây chính quyền cho phép người dân nuôi hàu để phát triển kinh tế, song nay bị xem là trái phép, chiếm dụng lòng sông. Bè mảng, cọc tre làm thay đổi dòng chảy, gây khó khăn trong phòng chống bão lụt và cản trở tàu thuyền ra vào tránh trú.
Ngoài ra, nhà chức trách đang triển khai xây dựng cầu bắc qua sông Mai Giang. Việc giải phóng các bãi nuôi hàu, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu cũng rất nan giải do vướng mắc đền bù, nhiều người dân chưa hợp tác.
Lý giải việc chưa bàn giao mặt bằng nuôi hàu trái phép, ông Võ Xuân Chân, trú phường Mai Hùng, cho biết nuôi hàng chục giàn hàu trên sông từ năm 2000 theo dự án của tổ chức phi chính phủ Đan Mạch tài trợ. Nghề phát huy hiệu quả, giá hàu ruột hiện 100.000-120.000 đồng/kg. Năm được mùa cho thu hoạch hơn 190 triệu đồng, ít khoảng 70-80 triệu đồng.
“Gia đình đầu tư tiền triệu vào các giàn nuôi hàu. Việc này đối chiếu quy định hiện hành là sai, tuy nhiên thời điểm này tôi sức khỏe đã yếu, nếu buộc phải bỏ nghề thì rất cơ cực”, ông Chân nói.
Ông Nguyễn Anh Văn, Phó chủ tịch thị xã Hoàng Mai, cho biết đã có công văn chỉ đạo các phường, xã cử cán bộ đến vận động người dân ký cam kết giải tỏa các bãi nuôi hàu trái phép trên sông, đến nay một số hộ đã chấp hành tháo dỡ.
“Theo quy định, hiện chưa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân nuôi hàu. Do vậy để giải tỏa các bè mảng trên sông khó thực hiện trong ngày một ngày hai. Thời gian tới cần làm đồng bộ, hài hòa các bên”, ông Văn nói.
Tại huyện giáp ranh Quỳnh Lưu, thực trạng chiếm dụng lòng sông nuôi hàu trái phép cũng diễn ra từ nhiều năm nay. Dọc con sông dài hàng chục mét đổ ra cửa biển ở xã An Hòa, hàng trăm giàn nuôi hàu bằng bè tre cùng cọc tre cắm chi chít, chiếm dụng 2/3 lòng sông rộng khoảng 40 m tính từ bờ bắc sang bờ nam.
Lãnh đạo xã An Hòa cho biết có 20 hộ nuôi hàu gây ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu thuyền, mùa mưa bão tiềm ẩn nguy hiểm cho phương tiện vào tránh trú. Chính quyền đang nỗ lực vận động người dân tháo dỡ, di chuyển lồng bè, song cần thời gian vì ảnh hưởng đến đời sống và chuyển đổi nghề của họ.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bai-nuoi-hau-trai-phep-bua-vay-song-4820711.html