Sáng 24/9, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 lên đường sang châu Phi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết quân số triển khai tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 đến Nam Sudan là 63 người, Đội Công binh số 3 đến Abyei là 184 người.
Các sĩ quan đã được huấn luyện đầy đủ về chính trị, quân sự, hậu cần kỹ thuật, chuyên môn y tế, kiến thức gìn giữ hòa bình. Các bài huấn luyện tập trung vào khâu thực hành, sát với tình hình và nhiệm vụ tại phái bộ. Lực lượng cũng được đào tạo tiếng Anh, cấp cứu chấn thương quốc tế; vận chuyển y tế đường không; phòng, chống bạo lực tình dục; nhận biết vật liệu nổ.
Riêng sĩ quan Đội Công binh số 3 được tuyển chọn, đào tạo đảm bảo đủ năng lực về xây dựng cơ sở hạ tầng, công binh công trình, hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại phái bộ cũng như các yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo mua sắm đầy đủ hàng hóa, trang thiết bị, vật chất tiêu hao, phụ tùng thay thế, đảm bảo cho Đội Công binh số 3 thực hiện nhiệm vụ.
“100% cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 an tâm tư tưởng, sẵn sàng lên đường”, thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng nói.
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương thành tích lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đạt được trong 10 năm qua, khẳng định đây là điểm sáng về đối ngoại đa phương của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam. Kết quả này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, góp phần ứng phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực và trên thế giới.
“Cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao; thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, nhân cách, góp phần tỏa sáng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới”, Phó chủ tịch nước nói.
Bà đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, nhất là chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ.
Phó chủ tịch nước mong muốn lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam từng bước mở rộng lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, phấn đấu giữ vị trí chỉ huy, quản lý tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và phái bộ. Bên cạnh đó, Cục Gìn giữ hòa bình cần nâng cao chất lượng lực lượng, huấn luyện về mọi mặt; đảm bảo an ninh, an toàn cho lực lượng ở mức cao nhất.
Thay mặt lực lượng triển khai ở hai đơn vị, trung tá Trần Anh Đức, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6, cam kết tất cả cán bộ, chiến sĩ sẽ kế thừa, phát huy kinh nghiệm của các thế hệ đi trước; lan tỏa mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, con người Việt Nam và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ với bạn bè quốc tế.
Trung úy Đỗ Thị Diệu Huyền, 23 tuổi, Sĩ quan hành chính của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6, là nữ sĩ quan trẻ nhất trong lần triển khai này. “Tôi xem đây không chỉ là cơ hội để trưởng thành mà còn là tấm gương để em trai noi theo”, Huyền nói.
Abyei, khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan, chưa tìm được giải pháp hòa bình bền vững mặc dù hai nước đã ký thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 20/6/2011. Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại đây nhằm ổn định tình hình và tạo điều kiện cho quá trình đối thoại.
Tháng 5/2022, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sứ mệnh này khi lần đầu tiên cử Đội Công binh tham gia Phái bộ UNISFA. Với sự nỗ lực không ngừng của các chiến sĩ công binh, hệ thống giao thông tại Abyei đã được cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã triển khai 6 đơn vị Bệnh viện dã chiến đến Bentiu, một trong những khu vực bất ổn nhất của Nam Sudan, từ năm 2018. Tại đây, các y bác sĩ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của phái bộ, đồng thời nỗ lực cứu chữa bệnh nhân là người dân địa phương.
Đến nay, Việt Nam đã cử hơn 1.100 quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/247-quan-nhan-len-duong-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-4796420.html