PhápValentina Petrillo, từng giành 11 danh hiệu quốc gia khi còn là nam giới, tự hào khi trở thành VĐV chuyển giới đầu tiên thi đấu nội dung nữ tại Paralympic Paris 2024.
“Tôi nóng lòng tới Paris và thi đấu trên đường đua màu tím tuyệt đẹp đó và trước đám đông cuồng nhiệt đó. Tôi nghĩ sẽ có nhiều tình yêu dành cho tôi hơn những gì tôi có thể tưởng tượng”, Petrillo nói với trang Relevo. “Thật công bằng khi mỗi người có thể thể hiện bản thân theo giới tính của mình. Thể thao phải dạy chúng ta giá trị của sự hòa nhập và đây là nền tảng cho hạnh phúc của con người”.
Petrillo sinh ra là nam vào năm 1973, mang tên Fabrizio tại Naples. Petrillo chơi điền kinh từ khi còn nhỏ cho đến khi mất thị lực ở tuổi 14, do mắc Stargardt – chứng bệnh thoái hóa điểm vàng dẫn đến mất thị lực dần dần, và hiện không có thuốc chữa.
Sau khi hoàn thành việc học ở Bologna, Petrillo gia nhập tuyển futsal quốc gia Italy dành cho người khiếm thị. Ở tuổi 41, Petrillo trở lại điền kinh, giành 11 danh hiệu quốc gia ở nội dung dành cho nam.
Sau khi chuyển giới năm 2019, Petrillo lần đầu thi đấu ở hạng nữ tại giải vô địch điền kinh dành cho người khuyết tật Italy năm 2020 – đánh dấu lần đầu tiên một VĐV chuyển giới được phép thi đấu trong hệ thống các môn thể thao Paralympic.
Petrillo được chọn vào tuyển Italy thi các nội dung chạy 200m và 400m nữ tại Paralympic Paris 2024, và sẽ trở thành VĐV chuyển giới đầu tiên thi đấu nội dung nữ tại Paralympic.
Petrillo thừa nhận điều này sẽ tạo ra những tranh cãi lớn, nhưng “đã học được cách buông bỏ những gì bản thân không thể kiểm soát”. Runner 50 tuổi này cũng vững vàng, mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Petrillo cũng xem bản thân là “hình mẫu truyền cảm hứng” khi góp mặt tại Paralympic Paris 2024.
“Tôi dần hiểu rằng bạn phải sống với sự đố kỵ và ghen tị của mọi người”, Petrillo nói tiếp. “Tôi nhận thức được những gì mình làm và không có gì phải sợ. Tôi hoàn toàn nhận thức được giá trị văn hóa và xã hội khi có mặt tại Paris 2024. Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tận dụng cơ hội và giành kết quả tốt. Có cộng đồng ủng hộ và ngưỡng mộ tôi, ngay cả những người không thuộc cộng đồng LGTBIQ+ cũng động viên tôi, vì họ xem tôi là hình mẫu truyền cảm hứng và đây là điều tuyệt vời nhất”.
Tại vòng loại 200m, Petrillo về đích trước Melani Berges, 33 tuổi, khiến runner Tây Ban Nha mất suất tham dự Paralympic ở cự ly này. Điều này gây ra sự phẫn nộ ở xứ đấu bò.
Irene Aguiar, luật sư người Tây Ban Nha chuyên về luật thể thao quốc, chỉ trích việc Petrillo dự các nội dung nữ là “không công bằng”. Tờ Bild của Đức cho biết 40 tổ chức nữ quyền đã phản đối quyết định này. Runner người Đức, Katrin Mueller-Rottgardt cũng bày tỏ lo ngại Petrillo có “lợi thế” ở nội dung 200m tại Paralympic.
Theo Quy định 4.5 của các quy định và điều lệ của Liên đoàn điền kinh dành cho người khuyết tật thế giới (World Para Athletics), các VĐV được công nhận hợp pháp là phụ nữ đủ điều kiện để thi đấu ở các nội dung dành cho nữ. Quy định này cũng cho biết World Para Athletics sẽ giải quyết mọi trường hợp liên quan đến VĐV chuyển giới theo hướng dẫn chuyển giới của Ủy ban Olympic quốc tế.
Chính sách đó khác với lập trường của Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics), khi cấm các VĐV chuyển giới tham gia các nội dung dành cho nữ vào tháng 3/2023. Chủ tịch World Athletics, Sebastian Coe cho biết quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo sự công bằng và “bảo vệ hạng mục nữ”.
Andrew Parsons, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc Tế (IPC), nói với BBC Sports rằng Petrillo sẽ được chào đón tại Paralympic Paris 2024, và tỏ ý sẵn sàng đón nhận những chỉ trích vì quyết định này. Đồng thời, ông bày tỏ hy vọng các cơ quan thể thao trên thế giới có thể sớm thống nhất lập trường về sự tham gia của VĐV chuyển giới.
Petrillo đã lập gia đình, bắt đầu quá trình chuyển đổi xã hội với sự hỗ trợ của vợ vào năm 2018 và chuyển giới vào năm 2019 sau khi trải qua liệu pháp hormone. Họ vẫn kết hôn và có hai con.
Hồng Duy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vdv-chuyen-gioi-tu-nhan-la-hinh-mau-khi-du-paralympic-4783933.html