Ngày trở lại
Sau SEA Games 31, 5 vận động viên đã được xác định dính doping gồm Quách Thị Lan, Khuất Phương Anh, Lê Ngọc Phúc, Hoàng Thị Ngọc, Vũ Thị Ngọc Hà. Tuy nhiên, các vận động viên Ngọc Hà và Hoàng Thị Ngọc đã không tập luyện, thi đấu khi có những công việc riêng thời gian qua.
Họ đã hết án cấm doping từ ngày 18.11.2023 nên ban huấn luyện các tổ nội dung của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã xem xét và đề xuất để tập trung các vận động viên trở lại đội tuyển quốc gia.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phụ trách bộ môn điền kinh (Cục Thể dục Thể thao) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam đã cho biết về cơ bản Ngọc Phúc, Phương Anh và Quách Thị Lan vẫn giữ được thể lực chuyên môn nên họ được trở lại đội tuyển quốc gia là không bất ngờ.
Từ tháng 1.2024, khi đội tuyển điền kinh Việt Nam tập luyện theo danh sách của năm mới, các vận động viên từng dính án doping trở lại bình thường. Trước họ, đội tuyển cử tạ Việt Nam từng tập trung trở lại tuyển thủ Trịnh Văn Vinh sau khi hết án cấm 4 năm thi đấu vì doping.
Văn Vinh đã hết án cấm doping vào tháng 2.2023 và sau thời gian trên, lực sĩ người Bắc Ninh này được tập trung và thi đấu các giải quốc tế. Ở ASIAD 19 năm nay, Trịnh Văn Vinh là một trong các thành viên của Đoàn thể thao Việt Nam góp mặt thi đấu. Lực sĩ cử tạ này là gương mặt được cử tạ Việt Nam cử dự nhiều giải để tích lũy điểm nhằm tranh vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 trong nội dung 61kg nam.
Vận động viên Lê Ngọc Phúc là người kết thúc án cấm thi đấu sớm nhất, và được dự giải điền kinh vô địch quốc gia 2023 (tháng 10.2023). Ngay tại sân đấu này, Ngọc Phúc trở lại và giành huy chương bạc cá nhân cự ly 400m nam.
Vận động viên người Hà Tĩnh cho biết: “Tôi trở lại là điều vô cùng hạnh phúc và tôi nỗ lực để chứng minh rằng mình thi đấu bằng khả năng chuyên môn bản thân chứ không phải sử dụng doping như mọi người đồn đoán. Đó là tai nạn đáng tiếc không ai muốn nhắc tới và tôi rất hy vọng mình sẽ có những giải đấu quốc tế trong tương lai để trở lại thành công hơn”.
Quy định cụ thể hơn về phòng, chống doping
Câu chuyện doping đã và đang được ngành thể thao nhắc nhiều. Từ ngày 13.12.2023 đến ngày 13.2.2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện lấy ý kiến rộng rãi và công khai về Dự thảo Thông tư Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
Dự thảo được xây dựng để quy định rõ các công tác đối với vấn đề doping mà thể thao Việt Nam sẽ thực hiện. Dự thảo trên xây dựng sáu chương 25 điều về nội dung để quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao với các vấn đề gồm Giáo dục, truyền thông về phòng, chống doping; Kiểm tra doping; Quản lý kết quả; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống doping.
Công tác phòng, chống doping trong hoạt động thể thao được thực hiện theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới, các Bộ Tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới và quy định phòng, chống doping của Việt Nam.
Trong Dự thảo, công tác đối với kiểm tra doping được quy định rất rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ. Theo đó, Tổ chức Phòng, chống doping quốc gia của Việt Nam có quyền kiểm tra doping theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và xử lý vi phạm luật phòng, chống doping đối với các vận động viên trong thẩm quyền.
Cơ quan quản lý vận động viên và ban tổ chức các giải thi đấu thể thao đề nghị Tổ chức Phòng, chống doping quốc gia kiểm tra doping vận động viên trong trường hợp cần thiết theo Bộ luật Phòng, chống doping thế giới.
Trong trường hợp các Liên đoàn thể thao quốc tế ủy quyền hoặc yêu cầu lấy mẫu kiểm tra doping, Tổ chức Phòng, chống doping quốc gia phối hợp với các Liên đoàn thể thao liên quan thực hiện yêu cầu theo quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới và Tiêu chuẩn quốc tế về kiểm tra và điều tra.
Cùng với đó, ở mặt xử lý vi phạm khi có các trường hợp liên quan tới doping trong thể thao, quy định được minh bạch cụ thể.
Quy định về việc công bố kết quả kiểm tra doping được Dự thảo ghi “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xét nghiệm doping, Tổ chức Phòng, chống doping quốc gia thông báo bằng văn bản kết quả xét nghiệm đến: Cục Thể dục thể thao; Cơ quan, tổ chức đề nghị kiểm tra doping, vận động viên, đơn vị quản lý vận động viên. Đối với các vận động viên có kết quả phân tích mẫu nghi ngờ vi phạm doping thực hiện thông báo theo quy định tại chương IV của Thông tư này”
Về nội dung xử lý vi phạm, Thông tư nêu rõ, Hội đồng Xử lý vi phạm có trách nhiệm đánh giá, kết luận việc vi phạm của vận động viên và các cá nhân có liên quan đồng thời, ban hành quyết định xử phạt đối với vận động viên và các cá nhân có liên quan. Sau khi lấy ý kiến, các vấn đề chỉnh sửa sẽ được thực hiện trước khi Thông tư chính thức được ban hành.
Nguồn tin: https://laodong.vn/the-thao/van-dong-vien-het-an-cam-doping-duoc-tro-lai-doi-tuyen-dien-kinh-viet-nam-1281724.ldo