Lần đầu tiên trong lịch sử, Man Utd bổ nhiệm người huấn luyện CLB thuần túy như Ruben Amorim, không kiêm nhiệm vụ lãnh đạo đội.
Thông báo bổ nhiệm Amorim của Man Utd hôm 1/11 có một điểm đặc biệt, khi đội gọi chức danh của ông là “head coach” (dịch nghĩa: huấn luyện viên trưởng). Mọi HLV trước đây của đội, như Alex Ferguson, Louis van Gaal, Jose Mourinho hay Erik ten Hag đều được bổ nhiệm với chức danh “manager” (lãnh đạo đội).
Trong từ điển Oxford, manager dùng để chỉ một người “huấn luyện và tổ chức một đội thể thao”. Còn coach là một người “huấn luyện một người hoặc đội trong thể thao”. Trong bóng đá, manager giống HLV ở nhiệm vụ cùng huấn luyện cầu thủ, điểm khác là vị trí này kiêm thêm nhiệm vụ tổ chức, hay quản lý. Dù vậy, truyền thông Anh vẫn thường dùng hai khái niệm này thay thế nhau.
Ở bóng đá Anh thời trước, HLV các CLB được gọi chung là manager. Vì ngoài việc huấn luyện, họ thường kiêm các vai trò ở thượng tầng, đặc biệt là chuyển nhượng cầu thủ. Chẳng hạn ở Man Utd thời Ferguson, chỉ có một người trong đội có chức danh cao hơn ông, gọi giám đốc điều hành hay CEO, từ Martin Edwards, Peter Kenyon đến David Gill, không tính giới chủ.
Khoảng hơn 10 năm qua, các CLB Anh ngày càng phát triển về quy mô, thêm nhiều chức danh liên quan đến thể thao để cải thiện hiệu suất thi đấu của đội bóng. Bộ sậu của Jim Ratcliffe tại Man Utd hiện có thành viên Hội đồng quản trị David Brailsford, CEO Omar Berrada, Giám đốc bóng đá Dan Ashworth, Giám đốc kỹ thuật Jason Wilcox, Quyền giám đốc hiệu suất (liên quan khoa học thể thao) Sam Erith hay Quyền giám đốc tuyển dụng Christopher Vivell.
Theo báo Anh Telegraph, chức danh HLV của Amorim sẽ đặt ông ở vị trí dưới Ashworth, và ngang hàng với Wilcox, Erith hay Vivell.
Ashworth 53 tuổi, từng là Giám đốc kỹ thuật Brighton thời 2019-2022, giúp đội dần tạo được chỗ đứng vững chắc ở Ngoại hạng Anh. Tháng 2/2022, ông gia nhập Newcastle để đảm nhiệm Giám đốc bóng đá, tương đương Giám đốc thể thao. Man Utd được cho là phải trả vài triệu USD để đền bù cho Newcastle khi đưa Ashworth về làm việc.
Ashworth quản lý mọi hoạt động thể thao tại Man Utd, với những nhiệm vụ quan trọng như xác định chiến lược phát triển đội bóng trong dài hạn hay chuyển nhượng cầu thủ. Wilcox và Erith làm những công việc liên quan đối nội nhằm cải thiện màn trình diễn cầu thủ. Còn Vivell thiên về đối ngoại, sẽ đề xuất những cầu thủ phù hợp để đội bóng chiêu mộ trong kỳ chuyển nhượng.
Amorim sẽ chỉ tập trung làm việc với đội một, còn việc chiêu mộ cầu thủ đã có Ashworth và Vivell đảm nhiệm, bên cạnh Giám đốc đàm phán bóng đá Matt Hargreaves.
Điều này khác hẳn thời Ten Hag, khi HLV Hà Lan có quyền đề xuất những cầu thủ mà ông muốn chiêu mộ, và từ chối những bản hợp đồng ông không thích.
Đó là một phần nguyên nhân “Quỷ Đỏ” chiêu mộ hàng loạt học trò cũ của Ten Hag, như thủ môn Andre Onana, trung vệ Matthijs de Ligt, Lisandro Martinez, hậu vệ Noussair Mazraoui, tiền vệ Antony hay những cầu thủ Hà Lan hoặc đã chơi tại Hà Lan như Joshua Zirkzee, Mason Mount, Sofyan Amrabat, Christian Eriksen, Tyrell Malacia. Trong danh sách này, phần lớn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Tháng 8/2024, đồng sở hữu Man Utd, Ratcliffe nói rằng Ten Hag đang ôm đồm quá nhiều việc. Đó có thể là nguyên nhân khiến HLV 54 tuổi không có nhiều thời gian cải thiện chất lượng thi đấu của đội bóng.
Công việc của Amorim sắp tới sẽ là xác định giáo án tập luyện, lên chiến thuật và đưa ra chỉ đạo cho cầu thủ. HLV 39 tuổi sẽ quan tâm sát sao tới việc cải thiện màn trình diễn từng cầu thủ, giúp họ đáp ứng yêu cầu chiến thuật của ông.
Mô hình HLV không kiêm lãnh đạo đội như vậy đang hiện diện ở nhiều CLB Anh. Chẳng hạn tại Liverpool, Jurgen Klopp từng là manager, còn Arne Slot hiện chỉ là HLV. Chelsea từ sau thời Jose Mourinho 2013-2015, cũng không còn chức danh lãnh đạo đội.
Dù vậy, lãnh đạo đội hay HLV cũng chỉ là chức danh, và nhiệm vụ của từng HLV sẽ phụ thuộc vào giao kèo khi ký hợp đồng với đội bóng. Thomas Tuchel từng từ chối Man Utd, vì ông muốn có tiếng nói trong việc chuyển nhượng cầu thủ. Nhiều HLV đã thành danh cũng muốn có nhiều quyền hành như vậy. Vì thế, Amorim được coi là quyết định bổ nhiệm phù hợp tiêu chí đội bóng.
Khi gia nhập Sporting năm 2020, Amorim còn chưa có bằng huấn luyện cao nhất, UEFA Pro License. Nhưng ông đã gây bất ngờ khi đem về chức vô địch Bồ Đào Nha đầu tiên cho Sporting sau 19 năm.
Man Utd cũng đã 11 năm chưa vô địch Ngoại hạng Anh, và mục tiêu của giới chủ là giúp đội đăng quang năm 2028, kỷ niệm 150 năm thành lập CLB.
Xuân Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vai-tro-cua-amorim-khac-ten-hag-the-nao-o-man-utd-4811274.html