Chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam cho thấy “sức khỏe” của đội tuyển quốc gia phụ thuộc nhiều vào cách các nhà quản lý giải bài toán khoảng
trống giữa các thế hệ, mà thất bại ở Asian Cup 2023 là một minh chứng.
Tối 28/12/2008, trong căn nhà ở TP Vinh (Nghệ An), trung vệ 16 tuổi Quế Ngọc Hải nín thở theo từng diễn biến của trận lượt về chung kết giải
vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) giữa Việt Nam và Thái Lan. Với Hải Quế và hàng triệu người hâm mộ khi đó, chiến thắng ở đấu trường khu vực
sẽ là đỉnh cao lịch sử của bóng đá nước nhà. Việt Nam tham dự giải đấu này từ 1996, nhưng chưa từng vô địch.
“Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác âu lo đè nén suốt hai hiệp đấu. Thái Lan dẫn từ phút 21 và liên tục dồn ép khiến Việt Nam không thể gỡ hoà”, anh kể
lại. “Đến phút bù cuối cùng, tiền đạo Lê Công Vinh bất ngờ ghi bàn bằng cú đánh đầu ngược. Tôi như vỡ oà cảm xúc. Việt Nam thắng chung cuộc 3-2,
để lần đầu tiên vô địch AFF Cup”.
Đến nay, khoảnh khắc toả sáng của Lê Công Vinh vẫn là điểm nhấn quan trọng trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Chiến tích của thế hệ cầu thủ vàng
sinh năm 1985-1987 đồng thời truyền cảm hứng cho các đàn em như Quế Ngọc Hải nuôi ước mơ tiếp bước chinh phục các đỉnh cao.
Nhưng hành trình đó không dễ dàng.
Kể từ trận đấu lịch sử trên sân Mỹ Đình năm 2008, Ngọc Hải mất sáu năm để được gọi vào đội tuyển quốc gia. Còn
Việt Nam, trải qua liên tiếp ba kỳ thất bại tại SEA Games và AFF Cup, dù được đánh giá nhỉnh hơn Indonesia và Malaysia. Bóng đá nước nhà khi ấy
gần như giậm chân tại chỗ.
“Được khoác chung màu áo với những người hùng tại AFF Cup khiến tôi thấy rạo rực hơn cả thời khắc ngồi trước tivi.
Khát khao vô địch Đông Nam Á trong thế hệ chúng tôi ngày càng lớn. Nhưng trong bóng đá, có những thời điểm bạn cảm thấy mọi thứ đều chống lại
mình”, Ngọc Hải nói.
15 năm thoát “giấc mơ con” Đông Nam Á
Phải đến 2018, thế hệ cầu thủ với lứa sinh năm 1995-1997 như Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu,
Nguyễn Quang Hải… mới thổi luồng gió mới vào bóng đá Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, họ giành á quân U23 châu Á 2018, vô địch
AFF Cup 2018, đứng thứ tư Asiad 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 – khu vực châu Á và đặc biệt là lần thứ hai
vô địch AFF Cup năm 2018 – điều Quế Ngọc Hải mong đợi suốt một thập kỷ.
Sự khác biệt cơ bản giữa họ với thế hệ đàn anh kế trước là được đào tạo bài bản từ nhỏ và điều kiện cọ xát rất sớm
cùng cơ hội tích luỹ kinh nghiệm dồi dào.
Thuộc lứa tuyển sinh đầu tiên năm 2007 của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Xuân Trường ra mắt công chúng
một cách rộng rãi là khi tham gia đội U19 Việt Nam, chinh chiến tại giải Đông Nam Á năm 2014. Dù là giải đấu chính thức đầu đời, Trường và đồng
đội không hề lo sợ. Theo tiền vệ này, tâm lý thoải mái đó là nhờ đa số cầu thủ rèn luyện lâu, liên tục được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tạo
điều kiện đi Bỉ, Anh, Nhật Bản và nhanh chóng trưởng thành.
Cũng năm 2013, U19 Việt Nam tạo tiếng vang khi tiến thẳng vào chung kết giải Đông Nam Á, vượt qua các đối thủ từ Thái
Lan, Malaysia… Sau giải đấu khu vực, đội tiếp tục tham gia giải U19 châu Á năm 2014, giành ba trận toàn thắng, trong đó chiến thắng 5-1 trước
Australia được ví như chấn động châu lục. “Từ đấy, mọi người quan tâm nhiều đến cái tên U19 như thể chúng tôi đã giúp bóng đá nước nhà đi lên một
tầm cao mới vậy”, Xuân Trường kể.
Trong số các giải đấu đã qua, Asian Cup 2019 được xem là “bản lề” khiến Quế Ngọc Hải có niềm tin bóng đá Việt Nam đủ
sức vươn tầm châu Á.
Trong trận tứ kết gặp Nhật Bản, anh ngỡ ngàng khi chứng kiến các đồng đội ở phía trên chơi tự tin và kiểm soát trật đấu tốt trước một Nhật Bản
toàn ngôi sao đang thi đấu ở châu Âu. “Tôi nhìn nét mặt, ánh mắt của đồng đội và thấy họ không e ngại. Chúng ta đã dám chơi trước những đối thủ
nhóm đầu châu lục mà không còn cảm giác bị ngợp”, Hải nói.
Sự hoà quyện của hai thế hệ này đã đưa bóng đá Việt Nam lên nấc thang mới, dám tiến tới giấc mơ lớn hơn. Vì thế, năm 2023, lần đầu tiên mục
tiêu chinh phục World Cup được ghi vào nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2022-2026 của VFF.
Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm HLV Park dừng dẫn dắt Việt Nam. HLV Philippe Troussier tiếp nhận với một tư duy mới trong sử dụng cầu thủ trẻ,
nhưng, chiến lược này chưa phát huy hiệu quả. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam bị loại sớm ở vòng bảng Asian Cup sau trận thua đối thủ kém 52 bậc FIFA là
Indonesia. Thất bại này còn cảnh báo về nguy cơ đứt gãy giữa lứa cầu thủ từng vô địch AFF Cup 2018, và thế hệ tiếp nối.
Khoảng trống thế hệ kế cận
Ngay từ những ngày đầu tiếp quản công việc của người tiền nhiệm, HLV Troussier đã nêu rõ tham vọng chinh phục giấc mơ World Cup 2026. Theo
tính toán của ông, nhóm cầu thủ trẻ sinh năm 1999 đến 2004 sẽ là thế hệ thực hiện hoá mục tiêu này. Vì lẽ đó, từ ngày cầm quân, HLV Troussier
luôn ưu tiên dùng cầu thủ trẻ trong mọi trận đấu, kể cả tầm châu Á như Asian Cup.
Tuổi trung bình của đội tuyển tại Asian Cup 2023 là 25,8 – thuộc nhóm trẻ nhất giải. Đội hình xuất phát thậm chí trẻ hơn. Trong đó, chỉ năm
cầu thủ từng có kinh nghiệm tại giải đấu này là Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Văn Toàn, Đỗ Hùng Dũng, Hồ Tấn Tài và Nguyễn Quang Hải, nhưng phải ngồi dự bị
hầu hết thời gian. Trong khi đó, loạt cầu thủ trẻ non nớt trên đấu trường quốc tế lại đá cả trận, để rồi vấp phải những sai lầm tầm V-League.
HLV Troussier đã mạo hiểm chiến thắng để đổi lấy thì giờ cho các học trò trẻ được cọ xát với những đối thủ tầm châu lục – cơ hội họ không thể
có khi thi đấu ở CLB.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương tỏ ra thông cảm với chuỗi thất bại vừa qua của ĐTQG. Ông phân tích thời HLV Park, lứa cầu thủ vàng đang ở
“độ chín”, được kinh qua các mặt trận từ U19 đến U21 rồi U23. Troussier không may mắn như người tiền nhiệm khi tiếp quản thế hệ cầu thủ thiếu
kinh nghiệm thi đấu so với đàn anh.
Theo ông, các cầu thủ trẻ hiện nay còn yếu kỹ năng chơi bóng sơ đẳng, chưa nói đến kinh nghiệm trận mạc. HLV Troussier khi tập hợp cầu thủ
phải kèm cặp từng người để chỉnh sửa các động tác đơn giản nhất. Trong khi lẽ ra ở tầm ĐTQG, HLV là người kết nối, truyền đạt triết lý của mình
cho cầu thủ, chứ không phải dạy họ cách đá bóng.
Tiền vệ Nguyễn Phong Hồng Duy, cầu thủ thuộc thế hệ sinh năm 1995-1997, kể khi còn là cầu thủ trẻ ở lứa U, anh và đồng đội được tạo điều kiện
thi đấu và cọ xát rất nhiều, thường xuyên được đá chính từ giải trong nước, khu vực, đến châu lục.
Điều này trái ngược với lứa cầu thủ trẻ hiện tại trong tay Troussier. Những cầu thủ như Võ Minh Trọng, Khuất Văn Khang, Nguyễn Đình Bắc, Phan
Tuấn Tài, Nguyễn Văn Tùng… chưa chắc suất đá chính ở CLB. Trong khi đó, việc thi đấu thường xuyên rất quan trọng để cầu thủ giữ nhịp khi lên
tuyển, hoà nhập lối chơi, nắm bắt triết lý của HLV trưởng, không còn bỡ ngỡ hay phải tìm lại cảm giác bóng.
“Thi đấu nhiều là cách tốt nhất để tích luỹ kinh nghiệm và thể trạng. Nhưng lứa cầu thủ hiện tại, các em có vẻ như ít được thi đấu quốc tế”,
tiền vệ Hồng Duy nhận xét, cho rằng cọ xát qua các giải đấu như SEA Games hay Asian Cup là cơ hội tốt để tiến bộ.
Là dấu gạch nối giữa ba thế hệ cầu thủ của ĐTQG, lại có thời gian là trợ lý cho HLV Park, tiền đạo Nguyễn Anh Đức (hiện là HLV trưởng CLB Bình
Phước) tỏ ra thông cảm với thế khó của Troussier. “Hệ thống đào tạo trẻ đang là điểm yếu của nền bóng đá. Khi lên đội tuyển, các HLV thường phải
dạy lại cầu thủ rất nhiều, từ cách di chuyển tới kỹ thuật chuyền, sút”, tiền đạo Nguyễn Anh Đức nêu thực tế.
Anh cho rằng bóng đá Việt Nam tồn tại nghịch lý: cầu thủ trẻ lên tuyển được trao cơ hội ra sân, nhưng khi về CLB lại thường xuyên dự bị. HLV
Park và HLV Troussier rất hay than phiền về vấn đề này.
“Không có chuyện HLV bỏ cầu thủ tốt không dùng, đâu ai như thế. Lên tuyển là cầu thủ hay, về CLB lại dự bị, nghĩa là tiêu chuẩn khác nhau,
thiếu tính đồng bộ trong lối chơi”, anh nói và lý giải đội tuyển quốc gia hiện chơi kiểm soát bóng, đá ngắn, nhưng ở nhiều CLB lại chơi bóng
dài.
Theo Anh Đức, đội tuyển chỉ là đỉnh của hệ thống bóng đá, muốn tốt phải có “chân đế” vững – tức hệ thống đào tạo trẻ phải cho ra những lứa cầu
thủ đồng bộ và chất lượng. Đây là điều Việt Nam đang thiếu.
“Chân đế” cho giấc mơ World Cup
Để nhào nặn nên một lứa cầu thủ thành công như Xuân Trường, Công Phượng… ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch câu lạc bộ HAGL phải đầu tư từ
gần hai thập kỷ trước.
Năm 2007, bầu Đức mất nhiều công sức để lập nên học viện bóng đá đầu tiên của cả nước, mang tên HAGL Arsenal JMG tại Hàm Rồng, Gia Lai. Học
viện của HAGL trở thành niềm cảm hứng cho các CLB đầu tư vào đào tạo trẻ, nhiều cái tên mới xuất hiện như: Lò đào tạo bóng đá trẻ PVF, Học viện
bóng đá trẻ Nutifood JMG, Trung tâm thể thao Viettel, Học viện bóng đá Juventus Việt Nam. Những trung tâm cấp địa phương cũng được đầu tư mạnh,
như tại Nghệ An, Nam Định, Quảng Nam hay Bình Dương.
Mất gần một thập niên kể từ làn sóng đó, lứa cầu thủ này mới trưởng thành, chứng tỏ tài năng, trình làng nhiều cái tên nổi tiếng. Tính đến
2018, HAGL đóng góp 50% cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia, cũng là thời điểm Việt Nam vô địch AFF Cup lần thứ hai.
“Đó là niềm tự hào rất lớn với tôi. Nó vực dậy bóng đá Việt Nam khi chúng ta xuống đáy”, bầu Đức nói.
22 năm đầu tư vào bóng đá và 16 năm đào tạo cầu thủ trẻ, bầu Đức đánh giá đây là con đường không dễ đi và rất tốn kém – hơn
2.000 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng lớp cầu thủ trẻ là việc tiên quyết cần làm để tạo “chân đế” thực hiện hoá giấc mơ World Cup. Nhưng sự phụ thuộc vào ý thức
của các CLB khiến đào tạo trẻ đang dần đi vào ngõ cụt. Dù quy chế chặt chẽ, các CLB nếu không bảo đảm được nguồn tài chính cho đội một, việc đầu
tư bóng đá trẻ trở thành rào cản. Đơn cử, nhiều CLB như Bình Định, Hải Phòng hiện tại, hay The Vissai Ninh Bình hay Navibank Sài Gòn trước đây,
đều “bỏ ngỏ” mảng này.
Định hướng đầu tư vào cầu thủ trẻ được khởi xướng từ cấp CLB và đã “đâm chồi nảy lộc”, nhưng để phát triển bền vững, nền bóng đá cần một chiến
lược quy mô hơn là những nỗ lực đơn lẻ.
“Giành vé dự World Cup không phải chuyện một sớm một chiều. Để đạt được, chúng ta cần một kế hoạch không dưới tám năm – tương đương hai kỳ đại
hội”, cựu tiền đạo Anh Đức nói.
Nếu muốn chinh phục giấc mơ World Cup, việc đồng bộ hoá rất cần thiết. Anh Đức dẫn chứng nhiều quốc gia như Nhật Bản, Đức… phân tích lối
chơi tổng thể phù hợp với thể trạng mỗi nước, rồi hỗ trợ các CLB triển khai tương tự. Nhờ đó, họ có lối đá đặc trưng.
Trong khi triết lý đào tạo thiếu đồng bộ từ trên xuống dưới, cầu thủ trẻ lại thiệt thòi bởi ít thời lượng được ra sân thi đấu để cọ xát, nâng
cao kinh nghiệm. Tiền đạo Anh Đức kể khi còn trẻ, cả năm có khi chỉ được đá giải khoảng 10 trận nên “rất khó tiến bộ”. Hiện, số trận dành cho cầu
thủ trẻ tăng, nhưng chưa thể so với các nước có nền bóng đá phát triển. Nhiều nước có giải riêng cho lứa trẻ, trong khi Việt Nam dù từng quy định
một CLB mỗi năm phải dự đủ số giải cho U15, U17, U19, nhưng nhiều đội vẫn bỏ giải trẻ để chạy theo thành tích tại V-League.
Đồng quan điểm, ông Yusuke Adachi – cựu Giám đốc Kỹ thuật VFF – cho rằng bóng đá Việt Nam muốn vươn tầm thế giới cần hoàn thiện công tác đào
tạo trẻ. Ông dẫn chứng khi làm Giám đốc Kỹ thuật VFF, ông khá bất ngờ vì số lượng cầu thủ trẻ Việt Nam tương đối ít. Ở Nhật Bản hiện có khoảng
3.000 đội bóng lứa tuổi phổ thông; tuổi dưới 12 có 5.000 đội.
Chuyên gia người Nhật dẫn chứng năm 1968, bóng đá Nhật Bản đoạt huy chương đồng Olympic, nhưng khi đó chỉ tập trung cho ĐTQG mà bỏ qua đào tạo
trẻ. Vì thế, Nhật rơi vào tình trạng khó khăn, không phát triển liên tục 30 năm sau đó. Nhưng khi tập trung vào đào tạo trẻ, Nhật Bản đã tìm lại
vị thế của mình.
“Bóng đá là môn thể thao mà kỹ thuật là điều rất quan trọng. Ở điểm này, tôi nghĩ bóng đá Việt Nam phù hợp để phát triển sớm vì các em có kỹ
thuật chứ không giàu thể chất. Khi chúng ta phát triển bóng đá trên nền tảng kỹ thuật thì phổ cập và đào tạo bóng đá trẻ là không thể thiếu”, ông
nói.
Chuyên gia Nhật Bản cho rằng hạn chế của Việt Nam trong phát triển bóng đá trẻ là thiếu cơ sở vật chất. Hệ thống thể thao học đường chưa phát
triển đồng bộ, không thể đáp ứng để phát triển thể thao. Ở Nhật Bản, tiểu học, trung học, hay đại học đều phải có cơ sở vật chất cơ bản như nhà
thể chất, bể bơi, sân bóng để tập luyện.
Các CLB có vai trò và chiến lược dài hơi trong nhiệm vụ này. Ví dụ, CLB Yokohama Marinos xây sân bóng từ cấp độ mẫu giáo đến các lứa tuổi đi
học, mở trường dạy bóng đá rộng khắp. Hơn 10.000 trẻ em chơi bóng đá ở những nơi này, và 80% số lượng gia đình có trẻ từng học bóng đá ở CLB này
về sau trở thành người của đội bóng.
Đồng quan điểm, nguyên trưởng đoàn đội tuyển quốc gia Dương Vũ Lâm cho rằng bóng đá Việt Nam cần một cơ chế riêng để “buộc” các CLB phải tự
đào tạo tài năng trẻ. Ông đề xuất có quy định yêu cầu CLB dành một khoản tối thiểu để duy trì hoạt động cho đào tạo trẻ, giống như quy định mỗi
đội V-League phải có ít nhất 35 tỷ đồng để hoạt động.
Khi là cậu bé 15 tuổi ngồi trước màn hình tivi ước mơ chinh phục Đông Nam Á, Quế Ngọc Hải chưa bao giờ nghĩ mình dám mơ tới World Cup. Nhưng
hơn 15 năm sau, chính thế hệ đàn em đã giúp anh tin rằng giấc mơ đó có thể thành hiện thực.
Nhìn lại, Quế Ngọc Hải đúc kết bóng đá là thực chiến, phải cọ xát nhiều với đối thủ tầm cỡ, thử sức ở những trận cầu cấp độ cao thì đội tuyển
mới phát triển. Đó chính là “công thức” nhào nặn nên thế hệ Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng… ngày nay. “Nếu đội tuyển được đá giao hữu, đối
đầu những đội bóng hàng đầu châu lục nhiều hơn, mục tiêu dự World Cup không phải không khả thi”, Quế Ngọc Hải đặt niềm tin.
Nội dung: Nghĩa Hưng – Đồng Đăng
Đồ hoạ: Đăng Hiếu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tuyen-viet-nam-tim-chan-de-cho-giac-mo-world-cup-4709161.html