Thoái hóa sụn chêm bánh chè do tập luyện sai cách có thể khiến đầu gối đau nhức, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Sụn chêm bánh chè là lớp bao phủ mặt sau của xương bánh chè. Sụn này hoạt động như một bộ giảm xóc tự nhiên giữa xương bánh chè và xương đùi, cho phép khớp trượt một cách trơn tru trong quá trình vận động.
Tuy nhiên, khi bị mòn hoặc mềm đi, sụn chêm có thể gây khó chịu ở đầu gối, đặc biệt khi chạy bộ, xuống cầu thang hoặc gập đầu gối lâu. Thoái hóa sụn chêm thường bắt đầu với cảm giác đau âm ỉ ở mặt trước của đầu gối, thường kèm theo tiếng lạo xạo hoặc cảm giác khớp bị căng cứng nhẹ.
Nguyên nhân của thoái hóa sụn chêm bánh chè rất đa dạng. Ở người chạy bộ, chấn thương này thường do tập luyện quá sức kéo dài mà không nghỉ ngơi đủ, kỹ thuật chạy không đúng (tiếp đất sai), hoặc các cơ ổn định hông (cơ mông giữa hay cơ mông lớn) bị yếu (như cơ mông giữa và cơ mông lớn).
Sụn chêm bánh chè chịu tác động lực lớn trong quá trình chạy, đặc biệt khi sai kỹ thuật. Ảnh: Hanoinromeyes
Các yếu tố khác, như chạy trên bề mặt quá cứng, sử dụng giày dép không phù hợp hoặc mất cân bằng cơ sinh học có thể làm tăng áp lực lên đầu gối và đẩy nhanh quá trình thoái hóa sụn. Ngoài ra, các vấn đề về cấu trúc, chẳng hạn xương bánh chè bị lệch hoặc loạn sản xương bánh chè-xương đùi, cũng có thể dẫn đến chấn thương này.
Việc điều trị thoái hóa sụn chêm ở người chạy bộ tập trung vào giảm đau, khắc phục các nguyên nhân cơ bản và tăng cường cơ bắp giúp ổn định đầu gối. Trong giai đoạn đầu, ngừng các hoạt động gây đau là cần thiết. Hãy chọn các bài tập cường độ thấp như đạp xe nhẹ nhàng, chạy trên máy hoặc bơi. Những bài tập này giúp duy trì thể lực mà không làm chấn thương thêm trầm trọng. Chườm lạnh sau khi hoạt động để giảm viêm và đau.
Sau khi vượt qua giai đoạn cấp tính, trọng tâm nên tập trung vào phục hồi cơ bắp. Tăng cường cơ tứ đầu, đặc biệt là cơ rộng trong, rất quan trọng để cải thiện sự ổn định của xương bánh chè và giảm áp lực lên sụn. Các bài tập như squat đẳng cự ở những góc không gây đau, nâng chân thẳng hay các bài tập chuỗi động học kín, như ép chân với tải trọng nhẹ, đặc biệt hiệu quả. Cơ ổn định yếu có thể làm lệch tư thế chạy, gây căng thẳng ở đầu gối nên cần được cải thiện.
Tính linh hoạt cũng quan trọng trong việc phục hồi và ngăn ngừa thoái hóa sụn chêm. Kéo giãn nhẹ cơ tứ đầu, gân kheo và cơ bắp chân có thể cải thiện vận động của khớp mà không gây căng thẳng. Ngoài ra, tăng nhận thức cơ thể và tập thăng bằng giúp cải thiện kiểm soát thần kinh cơ – chìa khóa để ngăn ngừa tái phát.
Hãy kiểm tra kỹ thuật chạy và điều chỉnh để giảm tác động lên đầu gối. Rút ngắn sải chân, tăng guồng chân và tiếp đất với bàn chân thẳng hàng với cơ thể sẽ giảm căng thẳng cho khớp. Sử dụng giày có đệm tốt và nếu cần, tham khảo ý kiến chuyên gia để cân nhắc sử dụng lót giày nhằm khắc phục mất cân bằng cơ sinh học nếu có.
Thoái hóa sụn chêm bánh chè không làm bạn ngừng chạy bộ, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, cách tiếp cận phù hợp và phục hồi chức năng tốt. Điều chỉnh việc luyện tập, tăng cường cơ bắp và lắng nghe các tín hiệu của cơ thể là những yếu tố cơ bản để phục hồi chấn thương này và chạy bộ trở lại mà không gặp khó chịu.
Vĩnh San (theo Mundo Deportivo)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thoai-hoa-sun-chem-banh-che-trong-chay-bo-4848923.html