VĐV cần tập kỹ năng thở hai bên bởi việc chỉ thở một bên khi bơi biển gây mất sức nhanh, dễ bị uống nước nếu sóng đánh, theo nhà vô địch triathlon quốc gia Lâm Quang Nhật.
Ngày 1/12, giải DNSE Aquaman Vietnam 2024 chính thức khởi tranh. Nội dung bơi sẽ diễn ra trên biển Hồ Tràm (Vũng Tàu). Khác với việc tập luyện trong bể, bơi biển đòi hỏi VĐV áp dụng nhiều kỹ thuật, cùng với đó là kỹ năng ứng phó với các điều kiện tự nhiên như sóng, gió… Trong đó cách thở đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp độ và hiệu suất. Có hai phương pháp chính là thở một bên và thở hai bên (còn gọi là thở song phương).
Với cách thở một bên, VĐV chỉ quay đầu về một phía (trái hoặc phải) để lấy hơi sau một số lần quạt tay nhất định. Trong khi đó thở hai bên, người bơi có thể thay đổi hướng thở. Theo VĐV Lâm Quang Nhật, nhiều VĐV phong trào thường có xu hướng nghiêng thở một bên, ở phía tay thuận. Tuy nhiên, dù đường bơi được thiết kế hình tam giác, hình chữ nhật hay đường thẳng, trực diện với sóng… người chỉ thở một bên sẽ gặp bất lợi.
“Thực tế không phải ai cũng có khả năng canh sóng, do đó khi nghiêng thở, đúng đợt sóng tới, VĐV bị uống nước, phải mất thêm vài tay nữa, mới lấy được oxy”, Lâm Quang Nhật nói.
Bất lợi tiếp theo liên quan tới đường bơi. Quang Nhật lấy ví dụ, nếu đường bơi thuận chiều kim đồng hồ (theo chiều từ phải sang trái khi nhìn từ đầu làn bơi, như Oceanman Vietnam, Ironman 70.3 Danang), VĐV có xu hướng nghiêng phải thở theo chiều tay thuận lúc đi ra, sẽ hứng trọn đợt sóng trực diện.
“Bản chất của kỹ thuật thở trong bơi lội là thở cả hai bên để lấy đủ oxy, duy trì vận động. Không giống chạy bộ, bơi ở dưới nước, VĐV không thể hít thở như trên bờ. Nếu không đủ oxy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thi đấu”, nhà vô địch triathlon quốc gia nhấn mạnh.
Anh cho rằng việc học thở hai bên không khó, nhưng VĐV phải tập đủ lâu, kiên nhẫn tạo thói quen, tạo cảm giác thở ở bên không thuận. “Mọi người nên hiểu cổ là vùng cơ xương có cấu tạo phức tạp và ít được vận động, tập luyện nên thường nhanh mỏi, đơ khi bắt đầu.. Vì vậy VĐV khởi động bài này thật kỹ trước khi xuống nước để cơ thể quen dần”, Nhật khuyên.
Để hạn chế tối đa những bất lợi cho VĐV, ban tổ chức DNSE Aquaman Vietnam thiết kế đường bơi theo hình chữ L, có những đoạn hơi chéo do ảnh hưởng của dòng chảy. Với tư cách đại sứ đồng hành với giải, chia sẻ kinh nghiệm luyện tập, thi đấu cho VĐV, Lâm Quang Nhật đánh giá, đây là dạng đường bơi ít thử thách.
“Luôn có sợi dây phao phía tay phải để dẫn đường, khoảng cách từ bờ ra khu vực xa nhất chỉ vài trăm mét. Đoạn đường không quá xa giúp tâm lý người bơi phần nào ổn định hơn, hạn chế cảm giác sợ”, Nhật chia sẻ.
Ngày 1/12, giải hai môn phối hợp bơi – chạy DNSE Aquaman Vietnam 2024 sẽ diễn ra tại Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu). VĐV tranh tài các cự ly Sprint Aqua (bơi 500m, chạy 5km), Half Aqua (bơi 1km, chạy 10km) và Aquaman (bơi 2km, chạy 21km).
Năm nay, giải tiếp tục có sự đồng hành của đại sứ Lâm Quang Nhật. Anh sẽ có mặt ở địa điểm tổ chức giải, tham gia các sự kiện bên lề. Trước đó, nhà vô địch đã có loạt bài cung cấp kiến thức chuyên môn, kỹ năng lập luyện và thi đấu hai môn phối hợp bơi – chạy.
Công ty Cổ phần chứng khoán DNSE là đơn vị đồng tổ chức giải đấu. Với nhiều điểm đổi mới và đầu tư quy mô, khác biệt so với những mùa giải trước, DNSE Aquaman Vietnam hứa hẹn sẽ mang đến cho cộng đồng yêu thể thao những trải nghiệm thăng hoa tại “Đường đua của những giấc mơ” Hồ Tràm. Giải đấu dự kiến sẽ thu hút 2.000 vận động viên tham gia. Hiện BTC đang phối hợp với địa phương lên kế hoạch triển khai nhằm đảm bảo điều kiện thi đấu tốt nhất và an toàn chung cho các VĐV.
Lan Anh
- Chủ tịch DNSE: ‘DNSE Aquaman Vietnam là sân chơi biểu tượng môn bơi – chạy’
- Học trò 11 tuổi của Lâm Quang Nhật tham dự DNSE Aquaman Vietnam
- 6 lưu ý an toàn khi trẻ em tham gia giải bơi – chạy
- Yếu tố tạo nên sức hút của DNSE Aquaman Vietnam 2024
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tho-the-nao-khi-boi-bien-o-dnse-aquaman-vietnam-4820421.html