Man United đã dành phần lớn thời gian trong kỳ chuyển nhượng hè năm nay để tìm kiếm các tiền vệ mới. Mục tiêu của họ là một tiền vệ có thể làm mọi thứ như Casemiro, với sức trẻ và năng lượng hơn.
Ở tuổi 31, với tình hình chấn thương dai dẳng và khả năng cầm bóng hạn chế, Casemiro khó có thể trở thành mẫu tiền vệ lâu dài của Erik ten Hag.
Ban lãnh đạo “Quỷ đỏ” hối hả và cuối cùng đã chọn Sofyan Amrabat – một cầu thủ được cho là giống Casemiro. Họ cũng mang về Mason Mount, người có những phẩm chất thiên về một “số 8” hơn.
Trước thềm mùa giải mới, khi trận mở màn Premier League gặp Wolves chỉ còn cách 8 ngày, Man United đối đầu Athletic Bilbao trong trận giao hữu cuối cùng. Khi đó, họ ra sân với bộ ba tiền vệ gồm Daniel Gore, Christian Eriksen và Donny van de Beek.
3 cầu thủ trên đã có 12 lần ra sân ở Premier League mùa này và Eriksen chiếm 11 trận trong số đó. Đây rõ ràng không phải tiền vệ được lựa chọn đầu tiên của Ten Hag, chỉ đơn thuần là do tình thế bắt buộc.
Trong trận mở màn Premier League, Casemiro được xếp đá chính cùng Bruno Fernandes và Mount. Tuy nhiên, họ lại tỏ ra thiếu liên kết, dù trên lý thuyết là sự kết hợp tốt nhất của Ten Hag.
Fernandes và Mount có xu hướng di chuyển cùng một khu vực, trong khi Casemiro bị bỏ lại phía sau. Man United thi đấu chật vật và dù giành chiến thắng nhưng cũng không thuyết phục. Và sau tất cả, câu trả lời cho những vấn đề đó lại là Scott McTominay.
McTominay đang chỉ cho Ten Hag lỗi lầm trong cách làm của mình. Cầu thủ người Scotland, người vừa bước sang tuổi 27, đã trở thành một “số 8” hoàn hảo và là một tiền vệ box-to-box thi đấu đầy nỗ lực, cần cù.
Cách tổ chức hàng tiền vệ của Man United tốt hơn khi có McTominay, không thể phủ nhận điều đó. Canh bạc của Ten Hag nhằm cho phép McTominay di chuyển tự họ hơn đã thành công ngoài dự kiến.
Chơi bên cạnh Fred ở mùa trước, một cầu thủ có phong độ thất thường và không đáng tin cậy, McTominay không thể hiện được nhiều. Tuy nhiên, mùa này, với sự ổn định ở phía sau từ Amrabat hoặc Kobbie Mainoo, tiền vệ người Scotland có nhiều thời gian dâng cao hơn.
Tư duy đã thay đổi và nhiệm vụ cũng vậy. Ten Hag muốn McTominay xuất trận với nhiệm vụ là ghi bàn. Vào hồi đầu tháng 10 trong chiến thắng trước Brentford, McTominay đã biến bầu không khí ảm đạm thành niềm hân hoan.
“Siêu dự bị” McTominay vào sân ở phút 87 khi Man United bị dẫn trước 1-0 tại Old Trafford, ghi 2 bàn ở phút bù giờ để ấn định chiến thắng ấn tượng 2-1. Kể từ đó, chỉ có Arsenal giành được nhiều điểm hơn Man United ở Premier League và McTominay đá chính đến 7 trận.
“Đừng bao giờ bỏ cuộc, cho dù cuộc sống của bạn đang ở trong hoàn cảnh nào”, McTominay cười rạng rỡ phát biểu sau trận đấu. Câu nói đó cũng tóm gọn lại quá trình hồi sinh của tiền vệ này.
Màn xuất hiện kéo dài 10 phút đó, có lẽ là bàn đạp, trùng hợp với chuỗi trận đáng nhớ ở cấp độ quốc tế trong màu áo tuyển Scotland của McTominay.
Đây là “McTominay 2.0” – cầu thủ được hồi sinh, phát huy bản năng của một tiền đạo khi còn ở Học viện Carrington của Man United. Dù thi đấu ở hàng tiền vệ nhưng McTominay luôn có những pha chạy chỗ và chọn thời điểm hoàn hảo trong vòng cấm đối phương.
Ten Hag nói trong tuần này: “Ngay từ giây phút đầu tiên tôi nhìn thấy McTominay, cậu ấy đã có khả năng rất tốt để xâm nhập vào vòng cấm và là một người dứt điểm rất giỏi. Đó không phải là điều ngạc nhiên. Khi chúng tôi có bóng trong vòng cấm, cậu ấy sẽ dứt điểm”.
Trong một mùa giải mà nhiều thời điểm tưởng chừng như Man United đã chìm sâu trong khủng hoảng, McTominay luôn xuất hiện và sắm vai người hùng.
Tất nhiên, Man United không thể dựa vào một tiền vệ để tìm kiếm bàn thắng nhưng ít nhất, điều đó đang giúp Old Trafford không chìm sâu trong bóng tối.