Việt Nam đứng thứ 89 thế giới, thứ 16 châu Á và thứ sáu Đông Nam Á về số VĐV thi đấu tại Olympic Paris 2024.
16 VĐV Việt Nam đến Paris, gồm Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng và Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo).
Số VĐV tham dự Thế vận hội nằm trong dự tính của Cục Thể dục Thể thao, khi đặt chỉ tiêu có từ 12 đến 15 suất. Việt Nam vượt chỉ tiêu nhờ hai suất đặc cách của Võ Thị Mỹ Tiên ở môn bơi và Trần Thị Nhi Yến ở điền kinh.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan có 51 VĐV, kế sau là Indonesia (29), Malaysia (26), Philippines (22). Việt Nam hơn Timor Leste, Lào (4), Brueni, Campuchia (3) và Myanmar (2).
Nhật Bản dẫn đầu châu Á với 404 VĐV, và đứng thứ năm toàn đoàn, chỉ sau Mỹ (592), chủ nhà Pháp (573), Australia (460), Đức (427). Cường quốc thể thao Trung Quốc đứng thứ sáu với 388 VĐV. Số VĐV Thái Lan đứng thứ 50, còn Việt Nam thứ 89.
Tính từ Olympic 2000, số VĐV Việt Nam luôn nằm ở top 6 Đông Nam Á, có hai lần đứng thứ năm tại London 2012 và Rio 2016. Trong khi đó, Thái Lan luôn dẫn đầu, đông nhất là năm 2016 với 54 VĐV. Vị trí thứ hai khu vực bốn kỳ trước đều thuộc về Malaysia.
Số VĐV của mỗi quốc gia Đông Nam Á cơ bản tỷ lệ thuận với số môn ở Olympic. Thái Lan có mặt ở 16 môn, tập trung phần lớn ở môn thế mạnh cầu lông có chín VĐV và boxing (8). Indonesia dự 12 môn, với chín VĐV ở môn cầu lông. Malaysia cũng có tám VĐV cầu lông, đông nhất trong 11 môn. Trong khi đó, môn chủ đạo của Singapore và Philippines đều là bơi (cùng 5 VĐV). Việt Nam kỳ vọng vào bắn súng, với 2 VĐV.
Thái Lan cũng là đoàn đặt chỉ tiêu cao nhất Đông Nam Á kỳ này, với sáu HC vàng và ba HC bạc. Hy vọng của họ đặt vào các môn võ như boxing, đặc biệt là taekwondo với võ sĩ Panipak Wongpattanakit – HC vàng hạng 49 kg nữ Tokyo 2021.
Indonesia đặt mục tiêu ba HC vàng, nhắm vào các môn cử tạ, cầu lông, leo núi thể thao. Malaysia muốn giành HC vàng đầu tiên tại Olympic, với niềm hy vọng Lee Zii-ja – đứng thứ bảy thế giới cầu lông đơn nam. Philippines hướng tới đoạt một đến hai HC vàng. Niềm hy vọng số một là VĐV nhảy sào nam EJ Obiena, sẽ cạnh tranh với nhà vô địch Mondo Duplantis.
Trong khi đó, Singapore và Việt Nam đặt mục tiêu có huy chương. Singapore có niềm hy vọng Loh Kean Yew – hạt giống số 10 cầu lông đơn nam. Việt Nam trông chờ vào lực sĩ Trịnh Văn Vinh ở cử tạ 61 kg nam, hay xạ thủ Trịnh Thu Vinh ở 10 m súng ngắn hơi nữ.
Ở kỳ gần nhất, Philippines dẫn đầu Đông Nam Á khi giành một HC vàng – Hidylin Diaz cử tạ 55 kg nữ, hai HC bạc và một HC đồng. Thái Lan xếp nhì, nhưng đã dẫn đầu bốn kỳ trước, giành tổng cộng tám HC vàng, bảy HC bạc và 11 HC đồng.
Các VĐV Việt Nam từng giành năm huy chương Olympic. Hoàng Xuân Vinh có HC vàng 10 m súng ngắn hơi nam và HC bạc 50 m súng ngắn hơi nam, ở Rio 2016. Lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn giành HC đồng cử tạ 56 kg nam tại London 2012. Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn có HC bạc cử tạ 56 kg nam ở Bắc Kinh 2008. Võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành HC bạc taekwondo 57 kg nữ.
Trên bảng tổng sắp mọi kỳ, Thái Lan đứng thứ 59 với 10 HC vàng, tám HC bạc và 17 HC đồng. Xếp sau là Indonesia thứ 60 (8-14-15), Philippines thứ 98 (1-5-8), Việt Nam thứ 100 (1-3-1), Singapore thứ 102 (1-2-2) và Malaysia thứ 116 (0-8-5).
Olympic Paris 2024 khai mạc từ ngày 26/7 và bế mạc ngày 11/8, với 10.714 VĐV đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 329 nội dung của 32 môn thể thao.
Hiếu Lương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/so-vdv-viet-nam-du-olympic-2024-xep-thu-6-dong-nam-a-4772204.html