Thắng 20 trong 22 trận đấu gần nhất, Nhật Bản đang đạt phong độ ấn tượng và được kỳ vọng có khả năng phá vỡ thế thống trị của các nền bóng đá châu Âu và Nam Mỹ.
Trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, những nhiệm kỳ huấn luyện kéo dài ở cấp độ quốc tế là rất hiếm, đến mức một nhà cầm quân dẫn dắt một đội tuyển qua hai kỳ World Cup liên tiếp đã là thành tích đáng nể.
Sau chưa đầy hai năm, chỉ bảy trong số 32 nhà cầm quân đứng bên đường biên tại World Cup 2022 còn tại vị. Trong đó có Lionel Scaloni – người đảm nhiệm vai trò từ năm 2018, giúp Argentina thăng tiến mạnh mẽ rồi vô địch World Cup trên đất Qatar. Didier Deschamps vẫn dẫn dắt Pháp bất chấp những áp lực và tin đồn về việc bị thay thế bởi đồng đội cũ Zinedine Zidane.
Trong số này còn có Zlatko Dalic – HLV dẫn dắt Croatia vào bán kết và chung kết World Cup kể từ khi tiếp quản đội tuyển năm 2017 và Walid Regragui – HLV biến Morocco trở thành đội tuyển châu Phi đầu tiên vào bán kết một kỳ World Cup.
Ngay cả trên sân khấu nhỏ hơn của châu Á, một nửa số HLV làm việc tại Asian Cup hồi đầu năm 2024 đã rời đi. Trong đó, Graham Arnold của Australia là “nạn nhân” mới nhất.
Nhưng Moriyasu vẫn kiên trì tại Nhật Bản.
HLV 56 tuổi tiếp quản đội tuyển quê hương từ 2018, kế nhiệm Akira Nishino sau khi Nhật Bản bị loại ở vòng 1/8 của World Cup trên đất Nga. Moriyasu từng đối mặt với trát sa thải ở vòng loại World Cup 2022, nhưng chiến thắng 2-0 trước Australia giúp Nhật Bản giành vé tới Qatar, còn ông vượt qua áp lực. Giờ đây, Moriyasu cùng Nhật Bản tham gia vòng loại cuối World Cup tiếp theo với tư cách không chỉ là đội tuyển có phong độ tốt nhất ở châu Á mà có thể là trên toàn thế giới.
“Samurai xanh” đang thi đấu gần như hoàn hảo ở vòng loại World Cup 2026 – khu vực châu Á. Trong sáu trận vòng loại thứ hai, họ giành 18 điểm tuyệt đối từ năm trận thắng và không để lọt lưới lần nào. Trong đó có lần được xử thắng 3-0 khi Triều Tiên huỷ trận đấu trên sân nhà hồi tháng 3/2024.
Qua ba trận đầu ở vòng loại thứ ba, Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự vượt trội khi ghi 14 bàn và chưa thủng lưới lần nào. Họ thắng Trung Quốc và Bahrain ở hai lượt mở màn, rồi đánh bại Arab Saudi của Roberto Mancini 2-0 ngay tại Jeddah tuần trước. Đây là lần đầu Nhật Bản thắng trên sân Arab Saudi ở một trận đấu chính thức. “Quan trọng hơn việc ghi bàn là giúp đội tuyển lần đầu thắng trên sân vận động này. Đó là thành tích quan trọng với bóng đá Nhật Bản”, tiền vệ của Crystal Palace, Daichi Kamada – tác giả bàn mở tỷ số – nhấn mạnh.
Tính xa hơn, Nhật Bản thắng 20 trong số 22 trận gần nhất trong 18 tháng qua, gồm việc đánh bại Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và ấn tượng nhất là Đức tại Wolfsburg. Trong số các cầu thủ được triệu tập giai đoạn này, 37 tuyển thủ Nhật Bản đang chơi tại châu Âu, gồm 22 cầu thủ góp mặt trong dịp FIFA Days vào tháng 10, điều mang lại chiều sâu và sự cạnh tranh cho mọi vị trí của họ.
Nhật Bản còn sở hữu một nhóm nòng cốt trẻ, gọi là “Thế hệ Olympic Tokyo”. Những cầu thủ này đã được trao cơ hội, trải nghiệm tại Thế vận hội trên sân nhà vào năm 2021, giúp bóng đá xứ mặt trởi mọc sẵn sàng cho giai đoạn chuyển giao và chuẩn bị thay thế hệ cựu binh như Maya Yoshida, Yuto Nagatomo và Hiroki Sakai.
Nhiều tuyển thủ Nhật Bản hiện tại là nhân tố quan trọng, thường xuyên đá chính tại CLB chủ quản ở châu Âu, như thủ môn Zion Suzuki (Parma), Ritsu Doan (SC Freiburg), Takefusa Kubo (Real Sociedad), Takumi Minamino (AS Monaco), Kaoru Mitoma (Brighton)… Hai ngôi sao khác, hậu vệ Takehiro Tomiyasu (Arsenal) và Hiroki Ito (Bayern Munich), vắng mặt trong đợt tập trung này vì chấn thương và dự kiến trở lại ở những dịp FIFA Days tiếp theo.
Từng vô địch World Cup nữ 2011, Nhật Bản từ lâu được xem là một trong những quốc gia có nhiều khả năng phá vỡ thế độc quyền của các đội tuyển châu Âu – Nam Mỹ ở giải đấu dành cho nam. Để theo đuổi mục tiêu này, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) đã công bố “Con đường Nhật Bản”, được mô tả là “Triết lý bóng đá quốc gia” sẽ hoạt động ngược lại từ trạng thái lý tưởng là có “10 triệu gia đình bóng đá và vô địch World Cup năm 2050”.
Qua việc phân tích các quốc gia bóng đá hàng đầu thế giới, Nhật Bản nhận ra rằng ngoài cải thiện kỹ thuật và thể chất, họ còn cần nuôi dưỡng nền văn hóa bóng đá tại quê nhà. Từ đó, Nhật Bản tiếp tục cải thiện J1 League, vốn đã là giải đấu hàng đầu châu lục, và tuyên bố “Chúng ta phải tạo ra môi trường cho phép mọi người thưởng thức bóng đá ở cấp độ cao nhất. Một môi trường mang lại niềm vui cho cả cầu thủ, HLV, trọng tài, nhà tổ chức, phụ huynh, người hâm mộ và nhiều người khác”.
“Con đường Nhật Bản” cũng phải là con đường có thể cộng hưởng và đại diện cho sức mạnh của Nhật Bản, thay vì tìm cách sao chép nền văn hóa của những quốc gia hàng đầu, và đóng vai trò là la bàn khi Nhật Bản điều chỉnh và phản ứng với sự thay đổi của bộ mặt bóng đá. “Dòng chảy của bóng đá thế giới chảy trong biển cả mênh mông đó”, thông báo có đoạn.
Sự phát triển đó sẽ tiếp tục được kiểm chứng khi Nhật Bản tiếp Australia tại Saitama hôm nay. Dù thành tích thắng 20 trong 22 trận gần nhất là rất ấn tượng, điều đáng chú ý là hai trận thua đó đều diễn ra tại Asian Cup 2023: trước Iraq ở vòng bảng và Iran ở tứ kết.
Arab Saudi hay Australia đều không đạt phong độ cao thời gian qua, nhưng vẫn đại diện cho hai trong số những quốc gia hàng đầu châu Á, độc chiếm các suất dự World Cup trong kỷ nguyên 32 đội, cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran.
Nhật Bản có lẽ không khó để giành vé dự World Cup 2026, nhưng hai trận gặp Arab Saudi và Australia sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc mới về sự tiến triển của họ kể từ thất bại tại Asian Cup 2023. Thầy trò Moriyasu sẽ được đánh giá cao hơn và nếu có thể đáp ứng kỳ vọng bằng màn trình diễn mãn nhãn cùng chiến thắng, họ sẽ tự kiểm chứng đã tiến gần đến mức nào trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của “Con đường Nhật Bản”, để sẵn sàng cạnh tranh với các cường quốc từ châu Âu hay Nam Mỹ.
Hồng Duy (theo ESPN)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhat-ban-da-vuot-tam-bong-da-chau-a-4804435.html