Cuộc chiến pháp lý đầu tiên giữa Man City và Ngoại hạng Anh về “giao dịch với các bên liên quan” kết thúc mà không bên nào thắng toàn diện, nhưng nhiều kháng cáo của CLB bị bác bỏ.
“Man City xin cảm ơn hội đồng trọng tài và hoan nghênh những phán quyết của họ”, CLB chủ sân Etihad thông báo hôm 7/10.
Sau đó không lâu, trang chủ Ngoại hạng Anh cũng lên thông cáo: “Chúng tôi hoan nghênh những quyết định của hội đồng trọng tài, vì đã ủng hộ nhu cầu của ‘giao dịch với các bên liên quan’ và bác bỏ phần lớn kháng cáo của Man City”.
Hai bên đều cung cấp công khai phán quyết dài 164 trang của hội đồng trọng tài độc lập, gồm ba luật sư Nigel Teare, Christopher Vajda và Lord Dyson. Cách dùng “hoan nghênh” trong trường hợp này thường để ám chỉ một bên đã thắng cuộc chiến pháp lý.
Giao dịch với các bên liên quan (thuật ngữ Anh: Associated Party Transactions, viết tắt: APT) đề cập đến các giao dịch tài chính của một CLB với những công ty hoặc tổ chức có liên quan đến giới chủ đội bóng. Những giao dịch này có thể được chia làm hai nhóm là “thỏa thuận tài trợ” và “khoản vay từ chủ sở hữu”.
Quy tắc APT được Ngoại hạng Anh đưa ra để đảm bảo các CLB không gian lận tài chính bằng cách thổi phồng doanh thu hay giành lợi thế tài chính từ các công ty của giới chủ, giúp các CLB đều công bằng về mặt tài chính. Ban tổ chức giải đảm bảo các giao dịch APT phải được thực hiện dựa trên “giá thị trường hợp lý” (fair market value, FMV).
Về cơ bản, Man City coi APT bất công với các CLB, và đề nghị hội đồng loại bỏ quy tắc này, nhưng không được chấp thuận. Ngoại hạng Anh cũng đã làm đúng trong ba quyết định chặn giao dịch của Man City với nhà tài trợ.
Tuy nhiên, giải đấu vẫn sẽ phải điều chỉnh một số quy định của APT.
Hai bên đã tranh cãi năm vấn đề chính, đầu tiên là tính hợp pháp của APT. Man City cho rằng APT vi phạm Luật Cạnh tranh Vương quốc Anh 1998, nhưng hội đồng phán quyết rằng quy tắc này cần thiết cho giải đấu. Đổi lại, hội đồng yêu cầu giải sửa đổi APT để áp dụng với các khoản vay không lãi suất từ công ty của chủ sở hữu.
Vấn đề thứ hai là tính công bằng trong quy trình áp dụng APT. Man City cho rằng quy trình này bất công, đặc biệt là trong cách giải đấu xác định FMV. Đội bóng không được bình luận hay truy cập vào những dữ liệu FMV của giải đấu, và hội đồng cũng cho rằng điều này thiếu minh bạch. Ngoài ra, phần lớn phản biện của Man City bị hội đồng bác bỏ.
Vấn đề thứ ba là giao dịch của Man City với Tập đoàn Hàng không Etihad (EAG). Ban đầu Ngoại hạng đã chặn thỏa thuận tài trợ của EAG cho Man City, vì cho rằng số tiền tài trợ không hợp giá thị trường, hay FMV. Hội đồng cho rằng Man City đã không được tiếp cận những dữ liệu FMV, nên không xác định được giá tài trợ hợp lý. Tuy nhiên, quyết định chặn thỏa thuận này được hội đồng coi là hợp pháp.
Vấn đề thứ tư liên quan đến giao dịch của Man City với ngân hàng First Abu Dhabi (FAB), cũng có kết quả gần tương tự khi quyết định lớn nhất nghiêng về phía giải đấu. Tuy nhiên, hội đồng cho rằng Ngoại hạng đã chậm trễ vô lý trong quá trình chặn giao dịch và có thể sẽ phải đền bù thiệt hại cho Man City.
Vấn đề cuối cùng liên quan đến giao dịch của Man City với khách sạn Emirates Palace, cũng bị giải đấu chặn và được hội đồng xác nhận là hợp pháp. Tuy nhiên, Ngoại hạng cũng sẽ phải đền bù thiệt hại cho Man City vì quy trình chậm hai tháng.
Các phiên điều trần này diễn ra từ tháng 6/2024, không liên quan đến 115 cáo buộc của Ngoại hạng Anh với Man City. Theo báo Mỹ New York Times, kết quả của phiên điều trần về APT cũng sẽ không có nhiều tác động lớn đến vụ 115 cáo buộc.
Ngoại hạng Anh hoạt động như một công ty từ năm 1992, do 20 CLB thành viên sở hữu. Mỗi CLB là một cổ đông, có quyền biểu quyết trong việc thay đổi các quy tắc. Mọi quyết định lớn cần phải được ít nhất 14 trên 20 đội đồng ý. Trong các phiên điều trần về APT, tám CLB khác tại giải đã hiện diện để cung cấp bằng chứng ủng hộ Ngoại hạng Anh, gồm Arsenal, Man Utd, Liverpool, West Ham, Brentford, Bournemouth, Fulham và Wolverhampton.
Xuân Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ngoai-hang-anh-ap-dao-cuoc-chien-dau-tien-voi-man-city-4801370.html