Sự vĩ đại trên sân đất nện của Rafael Nadal vô tình phủ bụi lên những năng lực xuất chúng khác mà cựu tay vợt Tây Ban Nha sở hữu.
Những cống hiến tận lực cùng bộ sưu tập thành tích đồ sộ là những thứ mà làng quần vợt sẽ mãi nhớ về Nadal, người vừa giã từ sự nghiệp thi đấu quần vợt giữa tháng 11. Trong 23 năm chinh chiến, anh giành 22 Grand Slam trên ba mặt sân khác nhau. Bên cạnh đó, Nadal còn sở hữu một HC vàng đơn nam Olympic. Anh bỏ túi tổng cộng 92 chức vô địch ATP lớn nhỏ.
Trên sân đất nện, Nadal hay nhất mọi thời. 63% số danh hiệu anh có được đến từ mặt sân bụi đỏ. Từ tháng 4/2005 đến 5/2007, Rafa thắng 81 trận liên tiếp ở mặt sân sở trường. Đây vẫn là kỷ lục về chuỗi trận bất bại dài nhất trên một mặt sân trong Kỷ nguyên Mở.
Ngoài vinh quang, song hành cùng Nadal suốt sự nghiệp là cuộc chiến với chính cơ thể. Những chấn thương, cả cấp tính lẫn mãn tính, luôn đeo bám anh dai dẳng. Nhưng gian nan đó chỉ càng hun đúc thêm sức mạnh về ý chí, giúp Rafa trở nên mạnh mẽ và phi thường hơn.
Vua đất nện. Chiến binh. Bò tót Tây Ban Nha… biệt danh nào cũng xứng đáng với Nadal, nhưng không đủ vì từ ngữ chẳng thể diễn tả hết sự vĩ đại của anh. Ngay như việc mô tả Nadal chỉ bằng vài nickname như vậy cũng đã là một sự bất công lớn, dành cho một trong những tay vợt hay nhất lịch sử. Là người không ngừng cải tiến lối chơi, Nadal – cùng các kỳ phùng địch thủ như Roger Federer và Novak Djokovic – đã định hình lại quần vợt.
Dưới lớp bụi đỏ, nhiều người quên rằng Nadal sở hữu tài năng vô song về những cú thuận tay, tư duy thi đấu, sự tinh tế và phong cách độc nhất.
Thế giới có xu hướng định nghĩa các VĐV, đôi khi là con người nói chung, theo những góc nhìn tuyệt đối. Đó là cách dễ để cố gắng hiểu được những phẩm chất và tính cách phức tạp, đa dạng của chủ thể đó. Nói cách khác, thế giới tìm cách tóm gọn hết sức có thể khả năng của VĐV, gán cho họ một đặc tính nổi trội nhất, giống như năng lực đặc biệt thường thấy của một siêu anh hùng.
Điều này tạo ra những hình mẫu lý tưởng, và từ đó việc so sánh trở nên thú vị nhưng cũng tranh cãi hơn. Điển hình trong quần vợt: Nadal nổi tiếng về sự bền bỉ thể chất, trong khi phong cách thanh lịch, ít tốn sức làm nên tên tuổi Federer, còn Djokovic được biết đến với sự dẻo dai và linh hoạt giống như một miếng cao su.
Tất cả đều đúng, nhưng phiến diện. Cả ba huyền thoại đều chịu “thiệt thòi” vì chủ nghĩa siêu anh hùng. Lối chơi của Federer đẹp mắt và đầy tính thẩm mỹ, đến mức thể lực tuyệt vời cùng khả năng phòng ngự siêu hạng của tay vợt Thuỵ Sĩ bị bỏ qua. Với Djokovic, đôi khi anh cũng bị ngó lơ về sự hiệu quả khi giao bóng hay cách điều bóng thông minh trong những điểm số áp lực nhất.
Ba danh hiệu Roland Garros của Djokovic hầu như không được ghi nhận tương xứng như 10 chức vô địch tại Australia Mở rộng. Mấy ai quan tâm cú hattrick ở Pháp Mở rộng khi đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp của bạn đã lên ngôi ở đó những 14 lần? Djokovic quá mạnh ở những mặt sân khác, đến nỗi sự xuất chúng của anh trên sân đất nện bị xem nhẹ. Rất nhiều tay vợt từng nói với tờ The Athletic rằng, Djokovic là tay vợt vĩ đại thứ hai trong lịch sử trên mặt sân bụi đỏ.
Nhưng nhắc đến sự thiếu công bằng, Nadal có lẽ vẫn là người chịu thiệt nhất, vì sự xuất sắc phi thường trên một mặt sân. Sau Djokovic, không quá khi nói rằng Nadal là tay vợt giỏi thứ hai khi thi đấu ở vạch cuối sân. Sự toàn diện của anh mang về bốn chức vô địch Mỹ Mở rộng. Con số ngang bằng Djokovic và chỉ kém một chiếc cup so với kỷ lục được đồng nắm giữ bởi Federer, Pete Sampras và Jimmy Connors trong Kỷ nguyên Mở. Ngoài ra, Nadal còn giành hai chức vô địch Wimbledon sau năm lần vào chung kết.
Với sự tàn phá của chấn thương khiến cơ thể suy yếu, Nadal luôn phải thích nghi, tiến hóa trong cách chơi. Những hạn chế về thể chất cùng “kẻ thù” thời gian buộc Nadal phải phát triển, phải rút ngắn tình huống bóng, để rồi kỹ năng chơi trên lưới được nâng tầm và làm anh trở thành một trong những tay vợt bắt vô-lê hay nhất tại ATP Tour.
Vinh quang chưa từng có tiền lệ trên sân đất nện chỉ là một phần trong di sản đồ sộ mà Nadal đã gây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình. Nếu trừ đi 14 chức vô địch Pháp Mở rộng và tám chiếc cup Grand Slam, số danh hiệu của anh vẫn hơn hẳn những huyền thoại như John McEnroe hay Boris Becker, và sánh ngang với Andre Agassi, Connors cũng như Ivan Lendl. Tất nhiên đất nện vẫn là nơi làm nên một Nadal vĩ đại, song không thể phủ nhận anh cũng cho thấy sự siêu hạng ở những mặt sân còn lại, mà từ đó, Nadal cùng Djokovic và phần nào là cả Federer, thay mới hoàn tạo diện mạo cũng như giá trị cốt lõi của quần vợt.
Nadal đã biến đổi môn thể thao này bằng nhiều cách. Những cú thuận tay trứ danh, khả năng trượt khi di chuyển hay cách ổn định tâm lý trước mỗi cú giao bóng… tất cả khiến nhiều yếu tố trong quần vợt cần định nghĩa lại. Thế giới tennis sẽ không bao giờ quên những cú móc thượng hạng hình quả chuối, những pha xử lý đánh bóng chéo sân biến đối thủ thành khán giả. Nadal khi đó thật nhiều năng lượng và không kém phần tàn khốc.
Từng có lúc Nadal bị coi thường vì chọn cách lùi sâu sau vạch cuối sân trả giao bóng. Anh chẳng quan tâm, kiên định với lựa chọn của bản thân và chỉ tập trung tìm cách vô hiệu hóa những cú giao bóng tốc độ cao của đối thủ. Điều này cho phép Nadal bắt đầu những loạt bóng bền, nơi thường mang đến lợi thế cho Rafa thời đỉnh cao. Vị trí đứng lùi sâu để trả giao đó, phương thức mà Dominic Thiem hay Daniil Medvedev cũng học hỏi áp dụng, trở thành nền tảng quan trọng đối với quần vợt nam hiện đại.
Điểm then chốt trong sự phát triển cách mạng này là phối hợp và làm chủ chuyển động cơ thể. Đây là phương diện mà Nadal và Djokovic là hai người giỏi nhất. Chiến lược trả giao bóng, với mục tiêu đánh hiểm hóc từ cuối sân, được Nadal triển khai nhờ sự khéo léo và chính xác đáng kinh ngạc. Dù mất thêm bước chạy để né trái đánh phải, hay phải thực hiện cú trượt nhằm chuyển trạng thái phòng thủ bị động sang tấn công chủ động, Rafa đã thành công khi mang những tổ hợp chuyển động đó sang mặt sân khác.
Djokovic vẫn là chuyên gia số một về khả năng trượt trên mọi mặt sân, nhưng chính Nadal đã góp phần làm thay đổi cán cân trong những cuộc đấu với các tay vợt sở hữu cú giao bóng uy lực. Đồng thời, huyền thoại Tây Ban Nha khiến thế hệ kế cận hiểu rằng chỉ giao bóng tốt là chưa đủ, mà còn phải sẵn sàng đáp trả và bước vào những loạt bóng bền. Medvedev có lẽ thấm nhuần điều này nhất. Kỷ nguyên Big 4 với Nadal, Djokovic, Federer và Andy Murray từng bắt đồng nghiệp phải chơi theo cách của họ trước khi giành lấy chiến thắng.
Nói vậy không có nghĩa Nadal mang trong mình tài năng thiên bẩm như Federer, hay sự mềm dẻo độc nhất của Djokovic. Bản thân Nadal cũng từng thừa nhận Federer may mắn với những tố chất sẵn có. Trong lần trả lời phỏng vấn, ông Toni Nadal thẳng thắn nhận định: “Nadal bắt vô-lê rất hay, nhưng còn lâu mới hay bằng Federer”. Ngược lại, cũng có những thứ Federer thật khó để so sánh với Nadal.
Thật khó bỏ qua sức mạnh và ý chí của “Vua đất nện” nếu phải chọn ra hai yếu tố nổi trội nhất. Nhưng nhìn cách anh tìm ra những góc đánh không tưởng rồi ghi điểm mãn nhãn mới cảm nhận rõ vẻ đẹp nghệ thuật của một bậc thầy.
Nadal là một chiến binh, và cũng là người nghệ sĩ thiên tài.
Vy Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nadal-va-su-lang-quen-ve-pham-chat-thien-tai-4820820.html