Theo chuyên gia Ngoại hạng Anh Alex Keble, Liverpool áp đảo trong hiệp một nhờ các hậu vệ cánh dâng cao nhưng sau đó trở nên hỗn loạn và chỉ có thể hòa 2-2 trên sân Man Utd ở vòng 32.
Hậu vệ cánh dâng cao của Liverpool
Trong hiệp một, Liverpool hoàn toàn áp đảo khi dứt điểm 15 lần, đồng thời khiến Man Utd không thể lên bóng và tung ra pha kết thúc nào – điều chưa từng xảy ra với đội chủ nhà kể từ năm 2015. Điều này bắt nguồn từ cách HLV Jurgen Klopp bố trí hai hậu vệ biên.
Alejandro Garnacho và Marcus Rashford luôn là điểm mạnh trên hàng công Man Utd, nhưng cũng là điểm yếu nhất. Họ không tham gia nhiều vào nhiệm vụ phòng ngự, khiến các đồng đội hậu vệ ở hai cánh có quá nhiều việc phải làm. Thông thường, Garnacho và Rashford được yêu cầu đá cao để sẵn sàng cho các pha phản công.
Klopp đã tận dụng triệt để phong cách này, khi mạo hiểm đẩy Andy Robertson và Conor Bradley cùng dâng cao, bất chấp việc có thể lộ khoảng trống. Trong hiệp một, Robertson nhiều lần thoải mái dâng cao để phối hợp với Luis Diaz bên cánh trái.
Khi ở những vị trí rộng này, Liverpool thường tìm cách chuyền ngược ra khu trung tuyến, thay vì dốc biên và tạt vào vòng cấm, để chiếm lĩnh khoảng trống giữa các trung vệ và tiền vệ trung tâm Man Utd.
Một trong những tình huống đó đã gián tiếp dẫn đến bàn mở tỷ số. Liverpool dễ dàng lên bóng bên cánh trái, khi Garnacho không kịp lùi về, giành quả phạt góc rồi từ đó Luis Diaz lập công.
Hàng tiền vệ vô tổ chức của Man Utd
“Tôi không biết các tiền vệ Man Utd được sắp xếp vị trí, theo người và pressing thế nào”, Alex Keble bình luận.
Nhận xét này được thể hiện rõ qua hình ảnh dưới đây.
Bruno Fernandes dâng cao gây áp lực, Casemiro chậm rãi hỗ trợ, còn Kobbie Mainoo theo kèm Alexis Mac Allister thay vì che chắn khoảng trống. Các hậu vệ Man Utd thì đá thấp và từ đó tạo ra khoảng trống lớn ở giữa sân.
Liverpool nhờ đó có nhiều tình huống lên bóng dễ dàng ở giữa sân khi hệ thống của Man Utd bị kéo giãn. “Bạn không thể có quá nhiều khoảng trống như vậy trong trận cầu đỉnh cao tại Ngoại hạng Anh”, Keble bình luận.
Man Utd vẫn thi đấu như vậy trong hiệp hai, nhưng khác biệt là Liverpool như đánh mất mình sau khi nhận bàn thua. Từ sai lầm chuyền hỏng của Jarell Quansah, tiền vệ đội trưởng Fernandes quân bình tỷ số với cú sút một chạm từ vòng tròn giữa sân.
Sau đó, Liverpool mất kiểm soát và chịu áp lực lớn. Man Utd thì hưng phấn và vượt lên nhờ khoảnh khắc tỏa sáng cá nhân khác – khi Mainoo cứa lòng chân phải về góc xa, đưa bóng ngoài tầm cản phá của thủ môn Caoimhin Kelleher.
Thay đổi của Klopp
Trong 20 phút cuối, Liverpool lấy lại bình tĩnh và tạo sức ép lớn, khi Man Utd lùi sâu đội hình. Quyết định đưa Joe Gomez và Curtis Jones vào sân của Klopp giúp ổn định mọi thứ. Trong đó, Gomez hiếm khi dâng cao như Bradley, còn Jones thế chỗ Dominik Szoboszlai không thi đấu đúng phong độ.
Nhưng quan trọng hơn cả là sự xuất hiện của Harvey Elliott. Cầu thủ người Anh (số 19) chơi ở vị trí cánh phải trong sơ đồ 4-4-2 được tinh chỉnh của Liverpool, chiếm lĩnh khôn ngoan nửa sân bên phải và giúp đội khách có phong cách tấn công khác so với giai đoạn trước đó.
Man Utd, với Fernandes được kéo xuống vị trí đó, phải vật lộn với pha chạy chỗ có mục đích của Elliott, một trong số đó đã dẫn đến tình huống thổi phạt đền. Chính Elliott dẫn vào vòng cấm rồi bị Wan-Bissaka phạm lỗi.
Sau khi gỡ hòa, Liverpool nỗ lực tìm bàn thắng nhưng thiếu đột phá ở một phần ba cuối sân. Mohamed Salah, dù ghi bàn từ chấm 11m, có ngày thi đấu dưới sức, còn Cody Gakpo không để lại dấu ấn nào sau khi thế chỗ Darwin Nunez.
Kết quả hòa 2-2 khiến Liverpool không thể giành lại đỉnh bảng. Họ có 71 điểm như đội đứng thứ ba Man City, và ít hơn một điểm so với Arsenal.
Hồng Duy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/liverpool-lac-loi-the-nao-truoc-man-utd-4731780.html