Đưa HAGL thoát đáy với chín trận bất bại ở V-League 2023-2024, nhưng HLV Vũ Tiến Thành cũng đối diện những chỉ trích về lối chơi thực dụng, trái ngược với truyền thống của CLB.
– Cách đây bốn tháng, sau khi chia tay CLB TP HCM, tại sao ông chọn HAGL dù HLV Kiatisuk vẫn còn ở đó và triết lý bóng đá của đôi bên có nhiều khác biệt?
– Trước khi về HAGL, tôi nhận được lời mời từ một CLB khác. Khi đó tôi khá lưỡng lự, nhưng cuối cùng chọn theo bầu Đức. Ban đầu tôi chỉ dự định hỗ trợ HLV Kiatisuk nên nhận làm Giám đốc kỹ thuật học viện HAGL. Tôi yêu bóng đá trẻ nên muốn bắt tay vào đào tạo để đặt nền móng tốt hơn cho HAGL. Nhưng dòng đời xô đẩy tôi trở thành HLV trưởng của HAGL.
Tôi biết, lúc đó có nhiều phản ứng. Tôi không lạ chuyện này. Không chỉ Việt Nam đâu, trên thế giới cũng vậy, bạn không bao giờ tránh được những lời ra tiếng vào trong nghề bóng đá. Vả lại, tôi cho rằng hiệu ứng tiêu cực chỉ là số nhỏ. Tôi thích nói thẳng, nói thật và làm những điều bản thân cho là tốt. Khi làm việc, tôi luôn toàn tâm toàn ý với CLB. Điều đó đôi khi đụng chạm đến nhiều người.
– Đụng chạm ở đây là gì, cụ thể như thế nào?
– Ví dụ như mùa đầu tiên làm việc cùng Sài Gòn FC, tôi thấy Ban huấn luyện vẫn giữ cách làm truyền thống mà không sử dụng công nghệ hiện đại. Tôi góp ý thì mọi người không lắng nghe, dù lúc đó tôi là Chủ tịch CLB. Tôi thấy phương pháp đó quá cũ kĩ, mà tìm HLV phù hợp cũng khó nên nhảy vào làm luôn, làm quyết liệt khiến một số người không thích. Đổi lại, Sài Gòn FC sau đó thi đấu thành công. Các bài tập luôn được lên kế hoạch trước, xây dựng theo triết lý của tôi là phòng ngự – phản công. Sài Gòn FC năm đó cũng giống HAGL bây giờ, lực lượng không tốt, cầu thủ không phải tên tuổi nên phải thay đổi. Mùa 2022, tôi mạnh dạn thanh lọc 21 cầu thủ để phù hợp triết lý của mình.
Tôi cho rằng người làm bóng đá không nên quan tâm quá nhiều về mạng xã hội. Như trường hợp của HLV Philippe Troussier. Nếu bận tâm quá nhiều đến những bình luận từ bên ngoài, nó sẽ ảnh hưởng đến tính kiên trì của bạn đối với đội bóng, rất khó để đạt mục tiêu đặt ra.
– HAGL được yêu mến vì lối đá đẹp mắt. Vậy, ông làm thế nào để áp dụng triết lý thực dụng?
– Ngay từ đầu, tôi đã xác định với HAGL rằng, CLB cần có văn hóa chiến thắng. Phải dạy cho các cầu thủ khát khao chiến thắng thì họ mới có thể mang đến chiến thắng. Điều này trước đây ở HAGL không được rõ ràng, khiến các cầu thủ thi đấu thiếu động lực.
Sau đó, tôi cho rằng sự thay đổi về triết lý cần được thực hiện ngay ở đội một. Trước đây, ở Học viện của HAGL, nguyên tắc đào tạo cầu thủ chơi phòng ngự không rõ ràng. Vì vậy nhiều người khi lên đội một không nắm bắt được điều đó. Họ có kĩ thuật tốt, ban bật hiệu quả nhưng thiếu kĩ năng phòng ngự. Do đó, trong thời gian từ năm 2015, khi lứa Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… lên V-League, chỉ mùa 2021 chơi tốt, gần như vô địch trước khi giải bị hủy vì dịch Covid-19. Còn lại thành tích đều không đạt, mùa nào cũng loay hoay trụ hạng. Do đó khi tái cấu trúc Học viện, tôi đã truyền đạt điều đó cho các cầu thủ. Trong bốn tháng qua, khi tôi làm việc tại đây, HAGL đã thay đổi lớn, đặc biệt ở đội một.
Gần đây, một số người nói HAGL đá xấu xí. Nhưng thật sự không phải vậy. Nói như vậy là ác ý. Một số CĐV nói với tôi rằng họ thích cầu thủ vào đá như hiện nay, vì trông giống như những chiến binh hơn. Đã là một trận đấu, phải có người thắng. Vì vậy nếu không vào sân với tinh thần của chiến binh, bạn không thể giành chiến thắng. Bóng đá ngày nay không chỉ có cầm bóng mà đá, không thể chơi theo kiểu tài tử, cũng không thể làm hoa hậu thân thiện được. Không phải lúc nào cũng chỉ vào sân và tận hưởng cho vui. Bạn còn phải tính chuyện khi không có bóng thì làm gì, chạy thế nào, kèm người ra sao… Nó là một cuộc chiến.
– Lúc ông đến, HAGL đứng cuối bảng với chỉ hai điểm. Nhưng bây giờ, đội bóng đã thoát nhóm rớt hạng, giành đến chín trận bất bại. Đâu là bí quyết cho sự thay đổi này?
– Thời điểm tôi đến, HAGL rất khó khăn, chỉ có hai trận hòa, còn lại toàn thua. Tinh thần cầu thủ cũng đi xuống, mất niềm tin. Nhưng tôi có kinh nghiệm vực dậy các cầu thủ. Từng ngày, tôi truyền động lực, trao đổi, động viên họ.
Tôi đã xem lại tất cả các trận đấu của đội từ mùa giải năm ngoái đến năm nay., và nhận ra HAGL không hẳn đá đẹp, đá kiểm soát và nền tảng thể lực của các cầu thủ không thực sự tốt. Sau đó tôi còn nói thẳng với một số cầu thủ như Minh Vương, Thanh Lâm, Đình Sơn rằng họ bị béo phì. Tôi đề nghị bác sĩ mời chuyên gia y tế, thể thao từ Hà Nội vào để đo chỉ số cơ thể thì gần như các cầu thủ đều quá cân. Minh Vương từng kể với tôi rằng, trong một trận ở V-League, cậu ấy không đủ sức để theo kèm đối phương nên bị Tuấn Anh trách móc.
Khi lên các giáo án tập luyện, tôi rất chú trọng nền tảng thể lực. Một khi xuống sức, các cầu thủ sẽ tự động chuyển sang đá bóng dài. Nhiều người lẫn lộn rằng HAGL đá kĩ thuật, nhưng khi nền tảng thể lực không có thì họ chỉ đá được như vậy trong một số thời điểm. Trận đấu có tới 90 phút. Do đó, điều đầu tiên tôi làm là cải thiện thể lực.
Các chỉ số đo được cho thấy trung bình mỗi cầu thủ chỉ có thể di chuyển trung bình 7,5km/trận. Khối lượng vận động như vậy là tương đối thấp. Thời tôi còn làm ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam PVF (Hưng Yên, hiện nay thuộc về đội Công an Hà Nội) chỉ số cầu thủ khi đó cao hơn rất nhiều. Bóng đá ngày nay, thông số phản ánh rất nhiều điều. Tôi nhớ trong một tháng đầu ở HAGL, tôi đã lên chương trình tập luyện rất khó khăn, vất vả. Nhiều bác sĩ nói với tôi rằng chưa bao giờ cầu thủ phải tập nặng như vậy. Tôi phải động viên họ rằng nếu không tập như vậy thì không thể đá với ai được, đặc biệt là khi năm nay có nhiều trụ cột của HAGL ra đi.
Trong các buổi tập trước đây, cầu thủ HAGL gần như không tranh cướp. Tôi nói với họ rằng đá kiểu này rất khó thắng. Bóng đá ngày nay không phải chỉ cầm bóng rồi đá, mà khi mất bóng thì phải tìm cách đoạt lại để triển khai tấn công. Sau một tháng đó, chúng tôi trải qua trận thua Hà Tĩnh rồi tiếp theo là hai trận hòa. Nhưng chúng tôi vẫn kiên định vì giải đấu là đường dài chứ không chỉ có vài trận. Chúng tôi cũng đi theo triết lý đảm bảo sự chắc chắn. Tôi hay lấy ví dụ về một con tàu bị thủng và đang chìm dần thì phải làm gì? Chắc chắn nếu cố gắng chèo về bờ thì càng chìm. Thay vào đó, chúng ta phải vá lỗ thủng và tát nước ra ngoài. Khi tàu vững chắc rồi thì mới có thể tiến lên phía trước. Với triết lý đó, từng bước chúng tôi thay đổi.
– Ông có vẻ tự hào về những thay đổi và thành tích gần đây ở HAGL?
– Hai trợ lý Quang Trãi và Duy Quang nói với tôi rằng, khi họ còn thi đấu HAGL đã có chuỗi 11 trận bất bại. Vì vậy, con số chín hiện nay chưa là gì cả. Chuỗi trận vừa qua, chúng tôi đạt kết quả tốt một phần do dám áp đặt lối chơi, có nhiều tình huống chơi rất nhanh, một phần vì may mắn nữa. Chẳng hạn trận hòa đầu bảng Nam Định 1-1 cuối tuần qua. Đội khách gặp khó khăn với độ cao của Tây Nguyên. Nam Định năm nay rất hay, đội hình có chiều sâu nhưng mất hai trụ cột Rafealson và Henrio.
Vì vậy, chúng tôi xác định vẫn cứ tiếp tục cố gắng, tích luỹ từng điểm để trụ hạng. Chuỗi chín trận bất bại đã qua chưa thể gọi là kỳ tích, mà có thể xem là thành quả của quá trình “liệu cơm gấp mắm”. Lực lượng của HAGL không phải quá tốt, non kinh nghiệm và những gì đạt được chưa quá lớn lao. Tuy nhiên, đó vẫn là cơ sở cho HAGL trụ hạng năm nay và năm sau có mục tiêu lớn hơn. Tôi đang muốn xây dựng văn hoá cho HAGL là: “Pleiku trở thành nơi đến dễ khó về”.
– Từng làm HLV ở Sài Gòn FC, CLB TP HCM và Giám đốc học viện PVF, ông nhận thấy môi trường bóng đá ở CLB HAGL khác biệt như thế nào?
– HAGL là môi trường bóng đá lành mạnh. Lợi thế ở đây là các cầu thủ gần như chỉ ăn ngủ và đá bóng. Bầu Đức đã xây dựng và giúp các cầu thủ có một nền tảng tốt, được học hành đến nơi đến chốn. Gần như các cầu thủ nào của HAGL cũng có thể nói chuyện, đàm thoại bằng tiếng Anh. Các bạn dễ thấy ở đội một có Dụng Quang Nho, Võ Đình Lâm trao đổi thông thạo với ngoại binh Jairo, Gabriel…
Một trong những yếu tố nữa giúp mang đến thành công là các cầu thủ rất yêu nơi đây và muốn có nhiều đóng góp cho HAGL. Đây cũng là ngôi nhà thứ hai của họ. Tôi từng làm ở nhiều đội bóng thấy các cầu thủ HAGL có sự hy sinh lớn hơn nhiều. Buổi tối họ chỉ ăn ở, sinh hoạt loanh quanh ở đại bản doanh CLB. Chỉ khi có công việc riêng cần giải quyết họ mới phải đi.
– Ngoài là HLV trưởng, ông còn là Giám đốc học viện LPBank HAGL. Có sự khác biệt nào giữa Học viện hiện tại và JMG trước đây?
– Trước đây, học viện JMG đào tạo lứa cầu thủ như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… Định hướng lúc đó, nói cho dễ hiểu là đào tạo gà nòi, nghĩa là mang đến những cầu thủ xuất sắc. Đây là một trong những chương trình được HLV Arsene Wenger của Arsenal trước đây khuyến khích và được mang sang châu Á áp dụng tại Thái Lan, Việt Nam…
Hơn 10 năm qua, bóng đá đã thay đổi. Cuộc chơi bây giờ có tính cập nhật và công nghiệp hơn. Việc đào tạo, huấn luyện vì vậy cũng phải thay đổi. Thời gian qua HAGL khó khăn, do đó việc đầu tư cho học viện cũng chừng mực. Khi nào vượt qua khó khăn, có sự chung tay tiếp sức, chúng tôi muốn hướng đến việc đào tạo theo giống với học viện PVF, một trong những học viện lớn của châu Á.
Trong lúc đó, chúng tôi cố gắng tìm chương trình mới phù hợp và cung cấp lực lượng kế thừa cho HAGL. Tôi từng nói rằng trong bóng đá nếu không có thành tích, chúng ta sẽ rất khó nói về những dự án mới.
Đức Đồng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hlv-vu-tien-thanh-hagl-khong-the-mai-lam-hoa-hau-than-thien-4746120.html