Khánh HòaTheo Phó TTK Hiệp hội golf Việt Nam Bạch Cường Khang, đưa golf vào môn thể dục ở trường học có thể giúp học sinh phát triển nhiều bộ kỹ năng.
Quan điểm này được ông Khang nêu tại hội thảo chuyên đề “Phát triển bền vững ngành công nghiệp golf Việt Nam” tổ chức ngày 27/11.
Theo ông, golf vẫn là một môn thể thao khá xa lạ đối với phần lớn người dân, đặc biệt là ở lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Nguyên nhân là do bộ môn này có chi phí đầu tư cao, hạ tầng chưa phát triển đồng bộ và nhiều người còn xem nó “chỉ dành cho người giàu có, không phải của giới trẻ”.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) cho rằng để phát triển golf trẻ, cần có sự đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ, nhận thức cộng đồng và chất lượng đào tạo. Trong đó, ông đưa ra giải pháp là phát triển chương trình giáo dục golf vào môn thể dục ở trường học, đặc biệt là ở các trường học cấp 1, cấp 2.
Ông Khang cho biết golf không chỉ là môn thể thao giúp rèn luyện thể chất, mà còn giúp phát triển kỹ năng tư duy, sự kiên nhẫn, kỷ luật và khả năng làm việc dưới áp lực. “Đặc biệt, đối với trẻ em, việc tham gia golf từ sớm có thể giúp các em hình thành những thói quen tốt như sự tập trung, kiên trì và có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống”, ông nói, dẫn chứng tại các quốc gia phát triển. golf đã trở thành môn thể thao phổ biến trong các trường học và trong cộng đồng trẻ, góp phần tạo ra những VĐV tài năng, giúp nâng cao vị thế của quốc gia trong các đấu trường quốc tế.
Golf có lịch sử phát triển 100 năm tại Việt Nam, tiềm năng để mở rộng vẫn còn lớn. Cả nước có khoảng 100 sân 18 hố đang hoạt động, trong đó có 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao, kết hợp khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Thực tế, golf đã được vào dạy thí điểm từ năm học 2021-2022 ở Đại học Quốc gia Hà Nội và xuất hiện trong chương trình chính khóa 2024-2025 tại Trường tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội (CGD).
Theo một lãnh đạo VGA, khi hình thức này được nhân rộng, song song với việc thúc đẩy phong trào, golf Việt Nam có thể sớm tìm ra tài năng để bồi dưỡng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh. Cách tiếp cận này được kỳ vọng giúp nền golf trong nước không chỉ là môn “chơi cho vui khỏe”, còn có thể đọ sức ở tầm chuyên môn cao quốc tế, lại có tính hướng nghiệp. Những học sinh theo được nghề golf có thể trở thành chuyên gia huấn luyện hoặc quản lý ngành (golf professional) hoặc du đấu (Tour player) vốn bấy lâu được xem là một phương tiện mưu sinh tại Mỹ (hệ thống PGA Tour và LPGA Tour nhiều cấp độ), châu Á (Asian Tour, Japan Golf Tour, MENA Tour), châu Âu (DP World Tour), Nam Phi (Sunshine Tour).
Những năm gần đây, các tài năng trẻ, đặc biệt lứa U18, đã giúp golf trong nước tiến bộ vượt bậc trong thi đấu quốc tế, nổi bật là Lê Khánh Hưng và Nguyễn Anh Minh tại SEA Games 22 ở Campuchia. Bộ đôi này đã mang về hai huy chương golf đầu tiên cho Việt Nam trong lịch sử SEA Games, trong đó Khánh Hưng đoạt vàng, Anh Minh nhận đồng. Sau đó, cả hai hợp sức để đội nhà lấy thêm HC bạc nội dung đồng đội.
Bùi Toàn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/golf-duoc-goi-y-dua-vao-cac-truong-hoc-viet-nam-4821111.html