Hà NộiMột tuần sau trận đấu vật gây tranh cãi với Zakhar Dzmitrychenka, Hiếu “khổng lồ” khẳng định cả hai không hề toan tính để chia đôi tiền thưởng như đồn đoán.
Cựu đô vật Hà Văn Hiếu tại hội làng Mẫn Xá, Bắc Ninh ngày 11/4/2025. Ảnh: Hoàng Giang
– Lý do nào khơi mào cho trận đấu giữa anh và đô vật người Belarus Zakhar Dzmitrychenka ở một hội làng tại Bắc Ninh vừa qua?
– Ban đầu, tôi không nghĩ đến trận đấu này, cũng không để tâm ngay cả khi người khác nói chỉ tôi vật được Zakhar. Nhưng khi cậu ấy thách đấu tôi qua một video, tôi lập tức nghĩ đến việc lên kèo đấu. Tôi hiểu rõ Zakhar là một đô vật chuyên nghiệp với chuyên môn được đánh giá cao, từng giành huy chương châu lục và thế giới. Cậu ấy đến từ vùng đất mà chúng tôi hay miêu tả là sinh ra đã biết vật. Zakhar sinh năm 1996, trẻ hơn 11 tuổi, lại rất máu chiến và ăn thua.
Khi nhận lời đấu, tôi tính toán mọi trường hợp và cả những ý kiến trái chiều. Nếu thắng, có người tung hô, nhưng sẽ có người bảo tôi to hơn nên thắng là đương nhiên. Nếu thua, họ lại nói tôi to hơn mà không thắng được. Nhưng là đô vật chuyên nghiệp, tôi không ngại ý kiến trái chiều và không xấu hổ nếu thua. Tôi tôn trọng và xác định nếu thua tức là Zakhar mạnh hơn.
– Quá trình chuẩn bị trận đấu có khó khăn không, khi anh đã nghỉ thi đấu sau SEA Games 31 tại Việt Nam vào năm 2022?
– Hàng ngày tôi vẫn tập thể dục đều đặn, có va chạm chuyên môn khi đang làm công tác huấn luyện. Tuy nhiên, cảm giác thi đấu và phản xạ bị suy giảm sau hai năm nghỉ thi đấu. Trước khi đấu, tôi tập lại vài buổi nhưng không thể nói rằng đó là sự chuẩn bị tốt nhất. Tuy nhiên, tôi rất thoải mái vì có kinh nghiệm đấu vật hội làng.
– Trận đấu diễn ra hơn hai giờ với 12 hiệp và bất phân thắng bại. Anh cảm nhận diễn biến ra sao?
– Điều tôi trăn trở nhất trước trận là thể lực nhưng đã vượt qua để chiến đấu lâu như vậy với Zakhar. Tôi không kỳ vọng gì hơn là vượt qua chính mình. Lối đánh của Zakhar thiên về thể lực và thường dùng điểm mạnh này để áp đảo. Ai không chuẩn bị tốt thể lực sẽ rất mệt mỏi với cậu ấy.
Zakhar háo thắng nhưng cũng cẩn trọng tránh sơ sẩy. Tuy nhiên, khi thấy cách Zakhar đánh, tôi đã có cảm giác mình khó thua. Tôi hai lần túm khố nhưng cậu ấy lùi và thoát rất nhanh ra ngoài sàn. Bình thường, khi bị túm khố, đô vật sẽ lao vào túm lại, nhưng Zakhar không làm thế. Tôi nghĩ cậu ấy rất tinh vì biết bản thân không giỏi trong cách đánh ấy nên chọn thoát đi.
Thi đấu trận này mệt vô cùng. Khi nâng hai tay lên, tôi có cảm giác rã rời. Tôi không đo lại nhưng cũng nghĩ đã giảm kha khá cân nặng, vì tự nhiên thấy cơ thể khô với đẹp thế. Ngoài ra, tôi cũng phải khâu 7 mũi do vết rách ở gần mắt phải. Chấn thương làm cản trở phần nào việc thi đấu, nhưng không suy giảm tinh thần. Ngược lại, khi đổ máu thì tính ăn thua, cay cú lại càng tăng lên. Tôi cảm thấy bản thân còn khỏe hơn nhờ chấn thương.
Cựu VĐV Hà Văn Hiếu (trái) đấu vật với VĐV Belarus Zakhar Dzmitrychenka tại hội làng Mẫn Xá, Bắc Ninh ngày 11/4/2025. Ảnh: Hoàng Giang
– Anh nghĩ sao khi nhiều khán giả đánh giá trận đấu nhàm chán và hai đô vật có dấu hiệu bắt tay nhau?
– Vật hội làng áp dụng luật vật dân tộc, tức là chỉ cần đánh cho đối phương nổi hai chân khỏi sàn, hoặc ngã lấm lưng trắng bụng là thắng luôn và không có cơ hội gỡ. Trong khi đó, vật tự do hay vật cổ điển ở giải chuyên nghiệp có tính điểm, vì vậy ngay cả khi mình thất thế vẫn có cơ hội ngược dòng.
Tôi nghĩ nhiều người cảm thấy không mãn nhãn vì đã thường xuyên xem các keo vật biểu diễn với nhiều miếng tấn công liên tục. Nhưng tôi nghĩ những gì tôi và Zakhar làm mới là đấu thật. Nếu bắt tay nhau và có tính toán, chúng tôi sẽ đánh thật nhiều miếng kỹ thuật đẹp mắt, còn đây là trận chiến căng thẳng và chỉ một sơ suất là thua luôn. Chúng tôi vật hai giờ đồng hồ chưa là gì với các cụ ngày xưa. Tôi biết có những trận diễn ra trong ba ngày mới xử hòa rồi chia giải, vì các đô phòng thủ chặt và không ai muốn thua.
Trận giữa tôi và Zakhar chủ yếu là thị uy sức mạnh, thể lực và sự lỳ lợm. Tôi thông cảm cho những người chưa hiểu, nhưng cũng mong được chia sẻ để mọi người hiểu thêm vấn đề. Tôi tôn trọng những ý kiến khác nhau vì coi đó là một phần bình thường trong các sự kiện võ thuật, như võ tổng hợp MMA Lion Championship còn có hàng chục luồng dư luận khác nhau.
Tôi nghĩ tôi cũng có thành công khác là giúp nhiều người biết đến vật hơn, khi trận đấu giữa tôi và Zakhar có hơn trăm triệu lượt xem trên nhiều nền tảng khác nhau. Tôi mong muốn môn vật dân tộc lâu đời sẽ được bảo tồn và duy trì, đồng thời kỳ vọng một ngày được UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể.
– Anh cao 1,92 m và nặng 130 kg. Đây được xem là thể trạng khác thường đối với người Việt Nam. Gia đình anh có cao to như vậy?
– Ông nội tôi vốn cao to và nổi tiếng là người khỏe trong vùng. Ông năm nay 97 tuổi vẫn khỏe mạnh lắm. Lúc bé, tôi nhìn ông trông to khủng khiếp. Khi lớn lên, nghe người trong làng kể lại là người thường vác được một bó nứa, còn ông tôi vác hai bó to nhẹ nhàng.
Bố tôi cũng cao khoảng 1,87 m và đi bộ đội ở chiến trường Campuchia. Nhà tôi có bốn chị anh chị em. Chị gái Hà Thị Hạnh cao khoảng 1,75 m. Hai em là Hà Văn Duẩn và Hà Văn Dĩnh lần lượt cao 1,96 m và 1,92 m. Chị cả từng giành HC vàng thế giới wushu nội dung sanda (đối kháng). Cậu em Duẩn từng làm thủ môn ở đội trẻ CLB Hòa Phát Hà Nội (nay đã giải thể), còn Dĩnh cũng từng là đô vật chuyên nghiệp.
Hà Văn Hiếu (phải) chụp cùng bố Hà Ngọc Ý đợt Tết Nguyên Đán 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
– Anh đã đến với vật thế nào?
– Ban đầu, tôi tập bóng chuyền ở Thái Nguyên nhưng đội giải thể. Vài tháng sau, tôi chuyển sang vật. Từ không biết gì về môn này, tôi gắn bó đến nay. Biệt danh Hiếu “khổng lồ” cũng không biết có từ bao giờ, nhưng mọi người gọi nhiều thì cũng thành quen.
Tập vật ngày xưa vất vả và thiếu ăn. Khi ấy, tôi thường ăn khoảng tám bát cơm, nhưng hai bát đầu có thức ăn, còn sáu bát sau chỉ có bát canh rau cải. Phải vã cơm cho no bụng chứ nghĩ gì đến dinh dưỡng lúc ấy. Nếu thời ấy mà được ăn như bây giờ, rồi chế độ tập luyện nữa thì chắc tôi còn mạnh hơn.
– Hành trình thi đấu và thống trị hạng siêu nặng ở Việt Nam của anh diễn ra thế nào?
– Năm 2002, tôi mới 17 tuổi nhưng đã vô địch Quốc gia. Một số anh em thấy tôi ở hạng đó thì cũng không muốn va chạm nữa, có người giải nghệ. Sau này có tuổi, có người đùa là nên rút dần để lứa trẻ có cơ hội tiến lên. Tôi đáp lại là nếu các em có năng lực thì cứ lên đài thắng tôi.
Thật ra, mục tiêu của tôi khi ấy không phải trong nước nữa mà là các giải quốc tế. Tôi thi đấu SEA Games từ năm 2005, sau giành HC vàng hạng trên 100 kg kỳ 2009, 2011, 2019 và 2022. Đấy là còn có các kỳ mà nước chủ nhà bỏ đấu vật hoặc bỏ nội dung của tôi, không thì thành tích còn phải tăng lên. Với tầm SEA Games, tôi nghĩ chỉ có các đối thủ rén vật Việt Nam.
– Sau SEA Games 2022, anh giải nghệ rồi chuyển sang làm HLV cho đội vật Ninh Bình. Công việc này lại mở ra thách thức mới nào cho anh?
– Khó khăn nhất là tuyển sinh, vì tìm được tài năng rất khó. Ngoài tuyển sinh hay qua hội làng, giờ còn có thể xem qua mạng xã hội. Nhưng tìm được VĐV ưng ý và tài năng để đào tạo là quá trình không dễ.
Muốn theo vật cũng có vài điểm đặc biệt, như tay phải dài, thể hình cân đối, khỏe mạnh. Tay, chân, lưng, vai phải chắc chắn. Một số em có thể hình vượt trội lại tự ti, nhưng khi vào tập với tôi thì có khi còn muốn to lớn hơn nữa. Chúng tôi thường tuyển sinh từ 10 đến 12 tuổi. Chỉ cần tập 3 tháng hè là các HLV có thể phát hiện VĐV có tố chất không để giữ lại. Nếu sau khoảng hai tháng mà thấy không có khả năng phát triển, chúng tôi khuyên gia đình cho sang môn khác, hoặc về đi học để tránh ảnh hưởng đến tương lai.
Truyền thống vật lâu đời có vùng xứ Đoài (khu vực phía Tây Hà Nội, một phần tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ) hay xứ Kinh Bắc (khu vực phía Bắc Hà Nội, một phần Hưng Yên, Bắc Giang và toàn tỉnh Bắc Ninh). Tuyển sinh các cháu ở đây thì ưu điểm là bắt nhịp nhanh hơn vì biết đến vật từ nhỏ. Các cháu chưa biết đến vật thì thường bắt nhịp chậm hơn khoảng 6 tháng.
Hà Văn Hiếu mừng chiến thắng trước VĐV Singapore Timothy Yu ở chung kết vật cổ điển hạng 130 kg tại SEA Games 31, trong nhà thi đấu Gia Lâm, Hà Nội ngày 17/5/2022. Ảnh: Hiếu Lương
– Triết lý huấn luyện của anh là gì?
– Vật cũng là một môn võ. Việc đầu tiên là hướng võ sinh thành người tốt. Chưa biết tài năng đến đâu nhưng phải có đạo đức tốt mới dùng được, tránh làm ảnh hưởng xấu đến xã hội. Chúng tôi luôn căn dặn các VĐV trước và sau mỗi buổi tập.
Tôi cũng đi lên từ VĐV. Các em có chiêu trò gì cũng khó qua mặt tôi. Tôi chọn chia sẻ để hiểu nhau hơn, nhưng cũng có hành động răn đe nghiêm khắc nếu có biểu hiện hư và bướng. Trốn đêm chơi điện tử thì bị phạt nặng hơn đi tập muộn. Ai cùng phòng không tố cáo mà bao che cũng bị ảnh hưởng.
– Anh nghĩ sao về thu nhập và điều kiện tập luyện cho VĐV đỉnh cao hiện nay?
– VĐV để làm giàu hơi khó, nhưng nếu trở thành VĐV ở top đầu thì cũng mang lại thu nhập không thấp, thậm chí thoải mái nuôi gia đình. Những VĐV trọng điểm cạnh tranh HC vàng SEA Games tối thiểu mỗi tháng phải được từ 35 đến 40 triệu đồng. Một VĐV trên đội một cũng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Thu nhập này với nhiều VĐV là đáp ứng kỳ vọng, nhưng với nhiều người khác thì có thể chưa. Nhưng tôi đánh giá chung là ổn.
Các VĐV trẻ vào trung tâm thì gia đình chỉ cần lo tiền học thôi. Các phụ huynh cho con em đi theo thể thao mà nghĩ rằng không kiếm được tiền thì cũng nên suy nghĩ lại. Dĩ nhiên, VĐV ấy phải vươn mình để trở thành top đầu thì thành quả thu lại sẽ tương xứng. Tuy nhiên, tôi cho rằng thể thao Việt Nam vẫn cần cải thiện cả về thu nhập và điều kiện tập luyện. Thu nhập tốt giúp các các VĐV cạnh tranh để giữ vị trí. Còn nếu một tháng chỉ thu về dưới 10 triệu đồng thì họ sẽ có tâm lý tập nhanh để về làm việc khác kiếm thêm tiền.
Vật Việt Nam có thể thống trị SEA Games, có thể giành huy chương các giải trẻ, nhưng chưa là gì khi ra đấu trường lớn. Tôi mong muốn có thêm các chuyến tập huấn nước ngoài, để VĐV và HLV được học thêm kiến thức, cọ xát và áp dụng khoa học thể thao tốt hơn. Trước đây, tôi nhiều lần được đi tập huấn nước ngoài. Nhìn vào nhà ăn của họ đã thấy sự khác biệt.
Hà Văn Hiếu (áo đỏ) bên cạnh vợ Vũ Thị Nghiên (trái) và hai con, sau khi giành HC vàng SEA Games 31, tại nhà thi đấu Gia Lâm, Hà Nội ngày 17/5/2022. Ảnh: Hiếu Lương
– Ngoài làm HLV, anh còn làm trọng tài ở một số sự kiện võ thuật như võ tổng hợp MMA Lion Championship. Anh cảm nhận thế nào về công việc này?
– Các sự kiện này đều rơi vào buổi tối cuối tuần, không ảnh hưởng đến công việc huấn luyện của tôi. Với thể hình to lớn, mọi người hay mô tả tôi là trọng tài không võ sĩ nào dám đụng tới.
Tôi thì nghĩ trọng tài ở sự kiện võ thuật rất quan trọng, cần có uy và bao quát sự kiện. Họ phải có chuyên môn võ thuật để kiểm soát những hành động quá khích khi võ sĩ nóng nảy, thiếu kiềm chế,… thậm chí kiểm soát cả những người bạn, HLV của võ sĩ có hành động không hay. Trước những cái đầu nóng, chúng tôi càng phải lạnh để bình tĩnh xử lý ôn hòa và êm đềm nhất. Khi không giải quyết được bằng lời nói, chúng tôi mới hành động. Những hành động quá khích ở sự kiện như Lion Championship đều có thể bị kiểm soát ngay lập tức. Sự chống đối có thể trả giá bằng việc gục ngay tại sàn là bình thường.
– Các sự kiện võ đối kháng ở Việt Nam còn non trẻ, nhưng anh nhìn thấy tiềm năng gì từ đây?
– Các môn võ ở Việt Nam ngày càng phát triển, tuy chưa là gì so với thế giới. Tôi hy vọng tương lai lĩnh vực này càng phát triển hơn, có nhiều sự kiện MMA để thúc đẩy, kích thích việc tập luyện võ nhiều hơn. Chúng tôi vẫn kỳ vọng có thể đưa võ sĩ Việt Nam ra One Championship, UFC để thế giới biết thêm về con người Việt Nam. Chúng ta cũng có kỹ năng, mạnh mẽ, lỳ lợm, kiên trì và ý chí mạnh.
Tuy nhiên, một võ sĩ Việt Nam để ra đến tầm châu Á hay thế giới phải có lộ trình. Một võ sĩ đứng đầu ở Việt Nam ra ngay biển lớn có thể bị sốc, vì vậy cần quy trình và định hướng phát triển.
Hà Văn Hiếu sinh năm 1985 được xem là tượng đài của làng vật Việt Nam hạng trên 100kg, ở cả nội dung tự do và cổ điển, trước khi giải nghệ năm 2022. Văn Hiếu hiện giữ kỷ lục 15 lần vô địch Quốc gia từ năm 2005, cùng bốn HC vàng SEA Games (2009, 2011, 2019, 2022). Đô vật quê Lạng Sơn cũng từng tham gia đóng nhân vật phụ trong phim Lời nguyền huyết ngải (2012), Cha cõng con (2017). Sau khi giải nghệ, anh vẫn tham gia công việc trong giới võ thuật, trong đó có làm trọng tài tại Lion Championship, hay đi dự các sới vật làng.
Hà Văn Hiếu kết hôn năm 2009 với Vũ Thị Nghiên, khi cô đang theo học ngành Giáo dục thể chất tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Đám cưới được tổ chức vào tháng 12, chỉ hai ngày sau khi Hà Văn Hiếu giành HC vàng SEA Games 2009 tại Lào. Cặp đôi có một con trai và một con gái. Hà Văn Hiếu tiết lộ hai con đều thích tập võ, trong đó có vật và boxing.
Hiếu Lương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/do-vat-ha-van-hieu-neu-gai-keo-toi-va-zakhar-da-bieu-dien-dep-hon-4875379.html