Từ cậu bé suy dinh dưỡng, Trần Văn Thảo trở thành võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, thắng 17 trong 18 lần thượng đài với phương châm “thà chết chứ không bỏ cuộc”.
– Cách đây vài ngày, Trần Văn Thảo giành đai WBO toàn cầu hạng 53,5kg ở thành phố Goheung, Hàn Quốc sau khi hạ Jakrawut Majungoen (Thái Lan) qua 12 hiệp. Anh có thể chia sẻ gì về danh hiệu này?
– Đây là trận tranh đai WBO toàn cầu trong khuôn khổ sự kiện boxing quốc tế WBO Triple Title Match Goheung Rumble. Trước trận, tôi gặp bất lợi vì không có đối thủ để tập luyện trong tám hiệp hay 12 hiệp. Từ trước đến nay tôi chỉ đánh sáu hiệp. Tôi năn nỉ nhiều võ sĩ Việt Nam đánh cùng, tập cùng nhưng đa số từ chối. Tôi phải tính đến chuyện một lúc tập với ba võ sĩ, mỗi người ba hiệp để đủ 12 hiệp xem sức chịu đựng của mình thế nào.
Ngoài ra, vì lý do kinh phí, tôi không có HLV đi kèm, chỉ có một người em giúp việc. Chúng tôi đi máy bay giá rẻ sang Hàn Quốc bị chậm trễ, bắt xe khách đến thành phố Goheung cũng mất nhiều thời gian. Chúng tôi chỉ kịp tham dự buổi cân kỹ thuật trước trận một ngày. Thời tiết lạnh, đồ ăn không hợp còn khiến tôi bị tiêu chảy. Không có HLV nên cũng không có ai băng tay, tôi phải nhờ một chuyên gia người Hàn Quốc. Nhưng cũng phải đợi xong trận của họ, tôi mới được băng tay, hết gần một tiếng. Mọi thứ chuẩn bị chỉ xong khi còn năm phút tới trận đấu. Có thể nói, trận đấu vừa qua tôi giống như “tay không đi bắt giặc”.
– Rồi anh thi đấu thế nào để giành chiến thắng từ điểm đồng thuận của ba trọng tài?
– Ngoài những khó khăn trên, tôi còn bị đau mắt và bầm tím ở gáy do hậu quả của trận đấu trước. Trước ngày đi Hàn Quốc, tôi đã nghĩ đến viễn cảnh xấu là có thể chết trên đài đấu. Trong năm vừa qua, đã có năm võ sĩ kết thúc cuộc đời của họ trên đài boxing, trong đó có hai người Nhật Bản. Quả thực, trong thâm tâm, có lúc tôi xác định bất trắc có thể xảy ra chứ nhất định không bỏ cuộc. Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy mình không thể chết được, mình chưa giàu, còn vợ con, chưa để lại được gì cho họ nên phải cố gắng vượt qua, phải tiếp tục sống.
Vào trận, dù Jakrawut Majungoen được đánh giá cao hơn, tôi vẫn khởi đầu tốt và nhiều lúc ép đối thủ. Nhưng ở hiệp tám tôi dính một đòn nặng. Sang hiệp chín, tôi choáng váng mặt mày, không nhìn thấy gì nữa. Tôi chỉ biết tự nhủ phải cố gắng cầm cự cho qua hiệp đấu, nếu sơ sẩy sẽ thua ngay. Lúc đó chỉ cần thêm một đòn nữa, tôi sẽ gục mất. Ơn trời, nó cũng trôi qua. Sau đó tôi lấy lại bình tĩnh chơi ba hiệp còn lại rất tốt để giành điểm đồng thuận từ ba trọng tài.
– Văn Thảo vừa nhắc đến tinh thần không bỏ cuộc dù có thể xảy ra bất cứ điều gì. Vì đâu anh quan niệm như vậy?
– Trong bóng đá, người ta thường nhắc đến tinh thần “Không bao giờ bỏ cuộc”. Tương tự, võ thuật của chúng tôi cũng có phương châm “Mệt nhưng không bỏ”. Tôi lấy đó làm hành trang để chiến đấu trong đời võ của mình.
Trận đấu vừa qua là ví dụ, tôi nói đánh bằng cả tính mạng vì chỉ có mình mới hiểu mình, không ai đánh thay cho mình.
– Cơ duyên nào đưa anh đến với võ thuật?
– Tôi sinh năm 1992 tại quận 4, TP HCM trong gia đình khó khăn, sau đó nhà tôi chuyển về huyện Hóc Môn sinh sống. Từ bé, tôi học không giỏi lắm nhưng được cái “anh hùng ngầm”. Trong lớp tôi ít nói và cũng không quậy phá nhưng hễ bạn bè đánh nhau, tôi luôn là người đứng ra giải quyết.
Lúc 13 tuổi, tôi bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng chưa tới 40 kg, hai bàn tay cong queo. Thầy giáo nhìn thấy còn bảo tôi chắc là dân chơi chất cấm, làm tôi khóc quá trời. Sau đó, anh trai khuyên tôi đi học võ để cải thiện thể hình, cũng là để tự vệ.
Từ đó, tôi bén duyên với boxing. 17 tuổi, tôi được vào tuyển trẻ boxing TP HCM và chỉ một năm sau đã vô địch quốc gia hạng 45kg. Sau đó, tôi nhích lên hạng 46kg, rồi bảy năm liên tiếp vô địch quốc gia.
– Hành trình trở thành võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam diễn ra thế nào?
– Năm 2014, tôi bị xử thua sốc ở một trận chung kết Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Cùng lúc đó, bà ngoại, người tôi rất mực yêu thương, qua đời khi tôi đang trên sàn đấu. Tôi sốc nặng, khóc nhiều đêm liền.
Khi tôi về nhà, các loại bệnh tái phát, nặng nhất là thoát vị địa đệm. Không hiểu sao tôi lúc đó mới 22 tuổi mà xương cốt như người trên 30. Bác sĩ nói nếu không mổ chữa trị và còn tiếp tục chơi võ, sau này tôi sẽ bị liệt. Lúc đó tôi phải nghỉ sáu tháng để chữa trị, có lúc muốn giải nghệ để theo ngành công an vì là gia đình cách mạng, theo mong muốn của bố mẹ.
Nhưng nhìn anh em bạn bè tập luyện, máu võ trong người lại nổi lên. Tôi xin bố mẹ cho tiếp tục với đam mê, nếu không được sẽ trở về học hành. Khi sức khỏe ổn dần, tôi xác định phải tìm một hướng mới, phát triển hơn. Tôi đến với trung tâm SSC, sau nhiều tháng mò mẫm xin xỏ cũng thuyết phục được các HLV.
Trận boxing chuyên nghiệp đầu tiên của tôi diễn ra ngày 3/10/2015 với võ sĩ Yo Han Bea của Hàn Quốc. Tôi thắng sau sáu hiệp. Chứng kiến tôi thi đấu, mọi người phấn khích đặt cho biệt danh ‘Floyd Mayweather Việt Nam’… Từ đó, tôi có thêm nhiều động lực. Đôi lúc cũng có chút xung đột với các thầy ở đội tuyển, nhưng tôi cố gắng dung hoà được việc chơi boxing chuyên nghiệp và nghiệp dư. May mắn là các thầy cũng yêu thương ủng hộ, tôi vẫn mang được các chức vô địch quốc gia về cho TP HCM.
– Đâu là những trận đấu đáng nhớ và đáng quyên nhất của anh sau 18 trận chuyên nghiệp?
– Với võ sĩ chuyên nghiệp, trận đấu nào cũng quan trọng như nhau. Tôi trải qua 18 lần thượng đài chuyên nghiệp, mỗi trận có những diễn biến, tình thế khác nhau. Nhưng, trận đấu tranh đai WBO với Jakrawut có lẽ là đáng nhớ hơn cả. Không chỉ vì chiếc đai danh giá, mà đây còn là trận đầu tiên tôi chơi 12 hiệp, phải vượt qua những khoảnh khắc gần giống với “thập tử nhất sinh” để chiến thắng.
Còn trận đấu nào đáng quên nhất thì chắc chắn là trận thua võ sĩ Billy Dib của Australia ngày 21/12/2019 tại chính đất nước của anh ấy. Trận đó, tôi phải tăng bốn hạng cân để phù hợp với quy định. Do đó, tôi gặp bất lợi về thể hình khi đối diện với Billy Dib. Anh ấy rất mạnh, đã chơi hơn 40 trận ở những đấu trường lớn như Las Vegas ở Australia. Dù vậy, tôi đã có trận đấu sòng phẳng, với các pha ra đòn nhanh và dứt khoát. Đối thủ thì không chịu đánh, chỉ ôm và vật tôi xuống sàn. Rồi trọng tài xử tôi thua, khiến tôi bất phục.
Trên đường bay từ Australia về Việt Nam, tôi thấy cô đơn vô cùng. Vừa ức chế, vừa tủi thân. Cùng với đó là những lời đánh giá, bình phẩm trên truyền thông, mạng xã hội khiến tôi càng trống rỗng.
– Khi đối diện những chuyện tồi tệ như thế, có lúc nào anh nghĩ đến chuyện giải nghệ?
– Tất nhiên là có, nhiều là đằng khác. Như các cột mốc tôi đã kể ở trên, khi thua trận năm 2014, thời điểm bà ngoại mất, bệnh tật rồi trận thua năm 2019. Rồi cả khi bị tai nạn đứt dây chằng nữa.
Nhưng chỉ nghỉ một vài ngày, nhìn các thầy, các đồng môn tập võ, máu boxing trong tôi lại sôi sục lên. Thế là không bỏ được. Võ đã cho tôi quá nhiều thứ và tôi cũng không biết mình bỏ võ thì sẽ thế nào, biết làm gì đây? Vì thế, khi đã chín chắn, tạm đủ đầy rồi, tôi không thể nói hai từ buông bỏ dễ dàng được.
Những khoảng lặng cũng cho tôi thời gian nghiềm ngẫm, để biết mình đang ở đâu, vị thế như thế nào. Nó giúp tôi tiếp tục đứng lên, mạnh mẽ hơn.
Tôi là dân võ nhưng lại lấy danh thủ Cristiano Ronaldo của bóng đá để làm gương. Tôi học anh ấy từ sự chăm chỉ và chuyên nghiệp, tôn trọng nghề nghiệp. Do đó, tôi muốn chơi và cống hiến đến 40 tuổi mới ngừng.
– Anh làm thế nào để duy trì được thể lực và khả năng chiến đấu?
– Để có một thể trạng tốt, một tinh thần tỉnh táo, tôi phải trải qua những quy định khắt khe.
Tôi tập luyện bảy ngày trong tuần. Mỗi sáng, tôi dậy từ 4 hoặc 5h trong không khí tĩnh lặng, trong lành để tập căng cơ, chạy bộ khoảng 5 km. Sau đó ăn sáng, nghỉ ngơi và lao vào tập các bài bổ trợ cho cơ. Sau khi ăn trưa, tôi nghỉ ngắn trong 15-30 phút. Buổi chiều thường tập các kỹ thuật chuyên môn, đánh bao cát, bơi, đứng nước…
Sau khi ăn tối, tôi dành thời gian tâm sự cùng vợ con, rồi đọc sách, giải trí và đặc biệt là tôn trọng giấc ngủ. Tôi đặc biệt ngủ sớm, 21h hoặc trễ lắm là 22h. Điều đó giúp tôi tràn đầy năng lượng cho ngày hôm sau.
Về khẩu phần ăn, tôi không ăn nhiều vì sợ tăng trọng lượng nhưng để đảm bảo cho cơ bắp chắc chắn, bữa ăn hàng ngày của tôi phải có các loại giàu protein như rau, củ, quả, các loại vitamin, thực phẩm chức năng, các loại thuốc bổ trợ, nước điện giải… Đặc biệt, tôi kiêng các chất kích thích như thuốc, rượu bia…
– Anh thường nhắc đến vợ con. Họ có ý nghĩa thế nào với anh?
– Như đã nói, tôi sẵn sàng chết vì võ nhưng nghĩ đến vợ con thì phải cố gắng sống. Năm 2013, khi cùng đội tuyển boxing TP HCM tập huấn ở Đà Nẵng, sau những buổi tập có thời gian thư giãn tôi đã lên mạng tìm bạn bè, kết nối bốn phương. Như một duyên trời định, tôi kết bạn với người con gái Vũng Tàu đang du lịch tại Đà Nẵng. Ban đầu chúng tôi gặp gỡ như những người bạn. Thời gian ngày càng lớn dần, mưa dầm thấm đất, chúng tôi kết duyên rồi nên vợ chồng.
Nhưng sau khi cưới xong, vợ phải theo gia đình sang Mỹ định cư. Lúc đó vợ đang mang thai con trai đầu lòng. Thế rồi Covid-19 ập đến, chúng tôi xa cách nhau. Trong khoảnh khắc con trai chào đời, tôi không thể ở bên cạnh vợ. Mãi khi hết dịch, đầu năm 2023 gia đình mới có dịp trùng phùng, đó cũng là lần duy nhất đến nay chúng tôi gặp trực tiếp. Cuối năm nay tôi sẽ sang Mỹ để thăm vợ con. Dù xa cách, vợ hiểu, cảm thông và tôn trọng tôi. Mỗi ngày chúng tôi đều trò chuyện trực tuyến nên khoảng cách như được xích lại gần nhau. Vợ nói nếu tôi không muốn theo nghiệp võ nữa thì sẽ sang Mỹ ở cạnh vợ con. Nhưng hiện tại, tôi còn nặng tình với võ và chưa thể hy sinh được.
– Dự định trong tương lai của anh là gì?
– Tôi muốn phát triển sự nghiệp với võ nhiều hơn nữa. Để điều đó thành hiện thực tôi phải bảo vệ đai WBO, đánh nhiều trận để nâng cấp đai nữa. Ngoài ra, tôi có võ đường tại quận Tân Phú, TP HCM – nơi tôi gọi là “Nhà chung”, nơi chào đón các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng mê võ đến tập luyện. Hiện có khoảng 20-30 võ sinh ăn tập và sinh hoạt cùng nhau, thậm chí có 10 em nằm ở trong tuyến có thể đánh các giải võ khác. Ngoài ra, tôi còn nuôi dưỡng các em tài năng ở Định Quán (Đồng Nai), Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Khi xây dựng võ đường ổn định tại Việt Nam, tôi muốn mở rộng một phòng tập tại Florida (Mỹ), nơi vợ con tôi sinh sống để tạo điều kiện phát triển các nữ võ sĩ bên đó.
Trên hết, tôi muốn cống hiến cho boxing nước nhà, làm sao để chúng ta không thua thiệt khi ra đấu trường quốc tế. Người Việt Nam thấp bé nhẹ cân nhưng đầu óc linh hoạt. Chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển. Điều quan trọng là phải có những người chuyên môn dẫn dắt, thắp lửa đam mê để tài năng ấy nở rộ.
Đức Đồng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vo-si-tran-van-thao-da-co-luc-toi-xac-dinh-chet-tren-vo-dai-4744746.html