Đưa Việt Nam trở thành nền công nghiệp y tế
Những năm qua, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu. Nguyên nhân chính để nhiều người nước ngoài, kể cả những nước phát triển như: Mỹ, Canada… sang Việt Nam là do chi phí điều trị ở Việt Nam thấp so với các nước trong khi chất lượng của các kỹ thuật tương đương nhau, bác sĩ tay nghề giỏi, tỉ lệ thành công cao.
Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều lần bệnh viện tại Việt Nam tiến hành điều trị, cấp cứu thành công cho người nước ngoài. Đơn cử như vừa qua, bệnh nhân người Campuchia sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phẫu thuật nội soi cột sống.
Hơn 4 năm trước, bệnh nhân có biểu hiện đau cột sống thắt lưng, lúc đầu đau nhẹ rồi tăng dần từng đợt, sau đó đau lan xuống chân phải. Bệnh nhân đã chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh ngày càng tăng, đi lại rất khó khăn. Sau đó, bệnh nhân đã sang “cầu cứu” bác sĩ Việt Nam. Bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4-5 gây chèn ép rễ thần kinh và được phẫu thuật nội soi lấy nhân thoát vị. Sau mổ 24h bệnh nhân đã tự dậy đi lại được mà hoàn toàn không đau.
Trong những ngày đầu tháng 12 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) phẫu thuật thành công cho bệnh nhi người Australia (bố mẹ đang làm việc tại Bali, Indonesia) mắc nang mật chủ, bằng phương pháp mổ nội soi 1 lỗ.
Sau khi được chẩn đoán bệnh, gia đình đưa con gái đi viện khám thì phát hiện bé mắc nang mật chủ. Các bác sĩ tại đây chỉ định cần phẫu thuật mổ mở. Khi tìm hiểu tài liệu bên Singapore, biết được Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có thực hiện phương pháp mổ nội soi 1 lỗ phù hợp với mong muốn của gia đình. Họ đã gửi email xin tư vấn từ bác sĩ và nhanh chóng đưa con tới Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi nhanh và có thể chạy nhảy chỉ sau vài ngày.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – nhận định: Những năm gần đây, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trong nước đã phát triển rõ rệt. Các bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, đào tạo bài bản, làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp ngang tầm thế giới (sử dụng robot, phẫu thuật nội soi, ghép tạng…). Điều đặc biệt, chi phí thấp hơn các nước chính là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khám và chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Khuê, mặc dù công tác khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao, chi phí thấp hơn các nước, nhưng mỗi năm, người Việt vẫn chi 2 tỉ USD ra nước ngoài để khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế đã phải đưa mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước. Đây là một trong những mục tiêu được nêu ra tại đề án “thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030” của Bộ Y tế.
Theo chỉ tiêu của đề án, đến năm 2030, tỉ lệ bệnh viện tuyến Trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%; tỉ lệ tỉnh/thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỉ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hằng năm từ 1% trở lên.
Làm gì để không lo “chảy máu ngoại tệ”?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết, du lịch chữa bệnh là một hướng đi mà nhiều nước đã triển khai như: Singapore, Thái Lan, Nhật, Hàn… Ngay cả Philippines cũng có những bệnh viện 5 sao để thu hút khách nước ngoài. Đây cũng là cách quảng bá thương hiệu đất nước không gì tốt bằng.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đã thành công vì ngoài việc biến bệnh viện thành khách sạn nhiều sao, chất lượng chuyên môn là nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu. Các kỹ thuật phương pháp điều trị mới luôn được cập nhật triển khai. Những chuyên gia tên tuổi được thu hút tạo điều kiện phát triển chuyên môn…
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, nhiều bệnh viện của chúng ta đã cải tiến về dịch vụ, do đó chỉ cần xây dựng quy trình, truyền thông chăm sóc khách hàng và sự tham gia của chính quyền về mặt cơ chế hỗ trợ. Chắc chắn sẽ có không chỉ một mà nhiều bệnh viện thành công. Với hàng triệu kiều bào có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh kết hợp thăm quê hương, hệ thống y tế của chúng ta có trách nhiệm suy nghĩ về vấn đề này một cách hết sức nghiêm túc.