Bệnh nhân Nguyễn Mạnh (33 tuổi, TPHCM) có tiền sử bệnh động kinh kéo dài nhiều năm. Trước đó, anh đã sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng vẫn trải qua 2-3 cơn co giật mỗi tháng mà không thể kiểm soát được. Do đó, anh đã đến bệnh viện để tham khảo ý kiến của bác sĩ và thực hiện bài kiểm tra điện não để xác định nơi xuất phát của các cơn động kinh.
Sau khi được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, hiện tại, anh đã trải qua khoảng 1-2 cơn động kinh mỗi năm, giảm nhiều so với tần suất trước đó. Dù các bác sĩ đề xuất phẫu thuật để cải thiện tỉ lệ điều trị, nhưng do hạn chế về điều kiện gia đình, anh vẫn tiếp tục lựa chọn phương pháp điều trị bằng thuốc.
Trong Hội nghị Khoa học “Thách thức trong chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh” diễn ra vào ngày 14.4 tại TPHCM, một sự kiện thuộc chuỗi “Tháng hành động vì bệnh nhân động kinh” trên toàn cầu, Th.S BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa – Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh tại Bệnh viện Quân y 175 – đã chia sẻ rằng, nhận thức của người dân về bệnh động kinh còn hạn chế. Nhiều người thậm chí lầm tưởng rằng, bệnh động kinh là một loại bệnh tâm thần không thể chữa trị.
Mục tiêu lớn nhất hiện nay là giúp bác sĩ tại các cơ sở y tế phân biệt và phân loại đúng loại bệnh động kinh, đồng thời sử dụng điện não đồ để đưa ra chẩn đoán chính xác. Đối với các trường hợp không được xử trí tại y tế cơ sở, việc nhận diện đúng và chuyển đi các đơn vị y tế chuyên sâu là cần thiết.
Tuy nhiên, bác sĩ Nghĩa cũng nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam chưa có thống kê chi tiết về bệnh động kinh, điều này là một thách thức. Trong khi các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ có số liệu chi tiết, bệnh động kinh lại chưa được quan tâm đúng mức.
Tại Bệnh viện Quân y 175, số lượng bệnh nhân động kinh đứng thứ hai sau nhóm bệnh nhân đột quỵ. Chẳng hạn, trong một ngày, 20-30% bệnh nhân nhập viện là do động kinh, so với 50% là do đột quỵ. Điều quan trọng là việc chẩn đoán và điều trị đúng đắn sẽ giúp giảm thiểu các cơn động kinh một cách hiệu quả và càng sớm càng tốt.
Quan trọng nhất của việc điều trị bệnh động kinh hiện nay phải có một nhóm bác sĩ chuyên sâu chuyên về động kinh, nhất là điện não. Bản thân điện não là một kĩ thuật về sinh lý thần kinh lâm sàng, phát triển sẽ giúp ích được trong điều trị chẩn đoán bệnh động kinh, bệnh nhân sẽ được điều trị, tái khám đúng với các bác sĩ chuyên sâu về bệnh này.
“Mục đích, nhằm đảm bảo đúng thuốc, đúng liều, đủ liều và đủ loại. Chính các bác sĩ này mới đủ khả năng xem xét các bệnh nhân này có đủ khả năng để phẫu thuật thần kinh hay không” – bác sĩ Trọng Nghĩa nói.