Chia sẻ với PV Lao Động về vấn đề này, Trung tá TS.BS Tống Hải – Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) – cho biết: Nguyên nhân gây ra tai biến khi nâng mũi chia ra làm 2 nhóm phân theo thủ thuật khi can thiệp mũi.
Nhóm 1 (thủ thuật ít xâm lấn): nguyên nhân có thể do chất làm đầy, các chất phụ gia trong hỗn hợp chất làm đầy, lidocain pha kết hợp (liều lượng thấp), chỉ sinh học.
Nhóm 2 (phẫu thuật nâng mũi: nguyên nhân chủ yếu là thuốc gây tê tại chỗ: thuốc hay dùng ở đây chính là lidocain (ngoài ra, thuốc tê cùng nhóm có Articaine, Mepivacaine phản ứng tương tự; một số trường hợp gây mê sẽ có phản ứng thuốc gây mê đi kèm: ketamin, propofol, ethilic, nitrogen, isofuran) và các vật liệu nâng mũi: silicon, megaderm…
Hầu hết những tai biến nặng gặp phải là do nguồn gốc chất làm đầy và ngộ độc thuốc tê tại chỗ.
Tai biến thường gặp khi nâng mũi
Chết não: là mất hết chức năng não và thân não cắt đứt dẫn truyền tới tủy sống mất sự điều khiển chức năng tim mạch, hô hấp và thân nhiệt; là tình trạng tổn thương não vĩnh viễn không hồi phục. Với những bệnh nhân ngộ độc thuốc tê thì cơ quan thần kinh trung ương tiến triển qua các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Nhẹ: đắng miệng, mùi kim loại, tê quanh miệng môi, ù tai, nhìn mờ, hoa mắt, chóng mặt, mệt, khó chịu.
Nặng: kích động vật vã, trợn mắt, nhãn cầu đảo nhiều, lú lẫn, rung giật, co giật.
Rất nặng: ức chế thần kinh trung ương: ngủ lơ mơ, đờ đẫn, hôn mê, hôn mê sâu.
Phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt một số phẫu thuật nâng mũi, cắt mí, tiêm chất làm đầy… rất dễ để thực hiện kỹ thuật này, vì kỹ thuật không khó, đã được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép làm tại phòng khám. Chính vì sự kỹ thuật dễ thực hiện nên rất nhiều người học theo để làm, và những biến chứng và tai biến hầu như nguyên nhân không xuất phát từ kỹ thuật mà từ thuốc tê, những chất tiêm vào cơ thể.
Bác sĩ Hải khuyên các bác sĩ (trừ các bạn không phải nhân viên y tế) trước khi làm và thực hiện độc lập tại phòng khám nên đi học lớp định hướng cơ bản hoặc thực tập tại chuyên khoa Hồi sức cấp cứu; Gây mê hồi sức từ 3 đến 6 tháng, để có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh xử trí những vấn đề xảy ra khi làm thủ thuật, phẫu thuật.
Còn đối với người dân, khi có nhu cầu làm đẹp, cần đến những cơ sở y tế được cấp phép (có đủ trang thiết bị, thuốc cấp cứu). Phẫu thuật phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm.
Tất cả những chất tiêm, thuốc, vật liệu được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép lưu hành. Quan trọng là có hệ thống chăm sóc hậu phẫu, bảo hành và xử lý khắc phục trong và sau làm phẫu thuật, thủ thuật.
Mới đây, Công an quận 1 phối hợp với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã lập hồ sơ làm rõ nguyên nhân vụ việc một phụ nữ tử vong khi đi thẩm mỹ tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn để sửa mũi.
Theo anh NML (SN 1989, ngụ Tây Ninh, chồng của chị NTTH – nạn nhân), khoảng 10 giờ 30 ngày 4.6, chị H cùng con gái 16 tuổi từ Tây Ninh lên TP.HCM để phẫu thuật sửa mũi tại cơ sở thẩm mỹ ở quận 1.
Đến 11 giờ, chị H được đưa lên phòng gây mê, phẫu thuật. Đến khoảng 14 giờ 15 phút, chị H có dấu hiệu mệt mỏi nên được các nhân viên ở đây cho gặp con gái.
Cùng thời điểm này, chị H có điện về cho gia đình thông báo bị mệt. Sau đó ít phút, xe cấp cứu đưa chị H vào Bệnh viện 115 để cấp cứu. Tuy nhiên, con gái chị H vẫn tiếp tục ở cơ sở thẩm mỹ và không được đi theo mẹ. Một tiếng sau, người con gái mới vào bệnh viện.
Khi tới bệnh viện, chị H có dấu hiệu nguy kịch, gia đình được thông báo là “đã chết não…”. Chị H được cấp cứu, lọc máu nhưng đến khoảng 22 giờ 15 phút, gia đình được thông báo là chị đã tử vong.
Theo anh L, vợ anh trước đó khỏe mạnh bình thường.