Hạnh phúc muộn màng
5 lần thai lưu, 3 lần chửa ngoài tử cung, cuối cùng chị L.T.T.H (SN 1978, quê ở Ninh Bình) cũng được trải qua cảm giác mãn nguyện đón con đầu lòng ở độ tuổi U50.
Mái tóc đã điểm bạc, chị H không khao khát gì hơn là được đón một thiên thần chào đời khỏe mạnh. May mắn chưa mỉm cười khi chị trải qua 5 lần thai lưu, 3 lần chửa ngoài tử cung, nhiều lần thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không thành công. Tới lần chuyển phôi cuối cùng, chị quyết định nếu không thành công thì sẽ chấp nhận số phận. Nỗi khao khát được làm mẹ 18 năm qua của chị đã có kết quả. Chị H đậu thai và từ đó, hành trình giữ thai gian nan bắt đầu.
Ở lần mang thai thứ 9 phát hiện mắc tiểu đường thai kỳ, chị được bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khám nội tiết, điều trị bằng insulin đồng thời tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, đảm bảo cho cả mẹ và bé. Từng ngày trôi qua, qua được các mốc kiểm tra, cảm nhận con yêu vẫn đang khỏe mạnh, chị càng có thêm động lực.
Ở mốc 38 tuần 3 ngày, qua quá trình thăm khám cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng, nhận thấy đây là thời điểm thích hợp đón bé chào đời và cũng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, các bác sĩ chỉ định mổ.
Ekip thành công lấy một bé gái khỏe mạnh cân nặng 2.800gram ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình, đánh dấu kết thúc chặng đường dài đằng đẵng mong con.
Đây không phải trường hợp đầu tiên U50 được làm mẹ. Trước đó, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) thực hiện thành công ca mổ lấy thai cặp song sinh cho sản phụ 48 tuổi. Đây là con đầu lòng của cặp vợ chồng này sau hành trình gian lao nhiều năm điều trị hiếm muộn.
Sản phụ là chị N.T.T (48 tuổi, trú tại Đồng Nai). Chị T lập gia đình muộn khi ở tuổi 44 còn chồng chị ở tuổi 46. Sau khi cưới, biết cơ hội có con tự nhiên rất hiếm nhưng vợ chồng chị T vẫn mong muốn có con nên đã đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản để được khám và tư vấn các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Sau thời gian 3 năm, vợ chồng chị T đã lần lượt trải qua thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành. Tuy nhiên, vợ chồng chị T không bỏ cuộc với niềm tin và mong mỏi sẽ được đón con.
Đầu năm 2023, vợ chồng chị T tiếp tục thực hiện tiếp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và kết quả chị T đã có thai, đặc biệt hơn, song thai 2 nhau 2 ối.
Trải qua 9 tháng thai kỳ, 10.2023, thai được 38 tuần, chị T có dấu hiệu chuyển dạ nên được đưa vào Bệnh viện Từ Dũ khám và làm thủ tục nhập viện. Hai bé chào đời khỏe mạnh.
Sự tiến bộ của y học
Sự tiến bộ của y học ngày nay cho phép phụ nữ ở tuổi 45, 50 vẫn có thể thực hiện được ước mơ sinh con. Trong số đó, thậm chí có trường hợp đã bước vào thời kỳ mãn kinh.
Độ tuổi sinh sản của phụ nữ tính từ tuổi 15 đến 44. Ngoại trừ một vài trường hợp hiếm gặp, hầu hết phụ nữ tuổi 45, 50 trở lên không thể có thai một cách tự nhiên.
Theo các nhà khoa học, thời gian sinh sản đẹp nhất của một người phụ nữ là ở tuổi 20. Khi ở độ tuổi 30, khả năng mang thai bắt đầu suy giảm, đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên, khả năng sinh sản có xu hướng suy giảm nhanh, số lượng trứng bắt đầu giảm mạnh.
Sau độ tuổi 45, cơ quan sinh sản và sức khỏe toàn diện của người phụ nữ không còn sẵn sàng cho việc thụ thai, mang thai và sinh nở. Lúc này, tình trạng chức năng buồng trứng suy giảm ở phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh; số lượng trứng có khả năng thụ thai rất thấp.
May mắn là ngày nay, nhờ sự tiến bộ của y học nên phụ nữ 45, 50 tuổi vẫn có thể sinh con được bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm – xin trứng. Vì vậy, với những người phụ nữ sau tuổi 45 muốn mang thai cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa.