Trong đợt rét đậm vừa qua, số người nhập viện do đột quỵ gia tăng tại khắp các tỉnh, thành phía Bắc. Đáng chú ý, không ít ca đột quỵ khi tuổi đời còn khá trẻ.
PGS.TS Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ, có ngày cao điểm khoảng 55 bệnh nhân, tuy nhiên trong đó chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong thời gian vàng.
“Nhiều người chưa nhận thức được sự nguy hiểm của đột quỵ, chưa nhận thức được tầm quan trọng cấp cứu trong giờ vàng, vẫn tin vào các phương pháp truyền miệng như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, rồi dùng các loại thuốc đông y chưa có trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế… bỏ qua thời gian vàng đến viện” – PGS.TS Mai Duy Tôn thông tin.
Cũng theo PGS.TS Mai Duy Tôn, con số 20% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong giờ vàng ở trung tâm đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới, tỉ lệ này còn khiêm tốn. Có nhiều trung tâm trên thế giới, bệnh nhân đột quỵ đến trong thời gian vàng đạt 50-75%.
Về ảnh hưởng của trời lạnh dễ gây ra đột quỵ, PGS.TS Mai Duy Tôn giải thích, khi trời lạnh, nhiệt độ môi trường giảm sâu, sẽ có hiện tượng co mạch, giữ ấm cho cơ thể làm cho huyết áp tăng lên. Với người già, khi chuyển môi trường đột ngột từ nơi ấm sang nơi lạnh dễ làm tăng huyết áp khiến nguy cơ đột quỵ tăng lên. Những người có sẵn bệnh nền tăng huyết áp, béo phì, rối loạn chuyển hóa không có sự kiểm soát, phòng chống, nguy cơ đột quỵ sẽ càng cao hơn.
Tập thể dục vào mùa lạnh cần vận động theo hướng vận động vừa đủ, vừa tập vừa lắng nghe cơ thể. Nhất là vào buổi sáng, khi thức dậy, người già không nên ra khỏi giường ấm ngay, mà cần nằm tại chỗ xoa chân, tay làm ấm cơ thể, bỏ chăn, mở cửa dần dần để làm quen với không khí bên ngoài trước khi ra khỏi phòng, đi tập thể dục. Người già cần khoảng thời gian vừa đủ, hợp lý để tập thể dục, thường là khoảng 20 – 30 phút với các bài tập phù hợp. Người gia cần hạn chế ra ngoài khi trời lạnh, nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần có mũ, áo đảm bảo đủ ấm cho cơ thể.