Miền Bắc chìm trong giá rét dưới 10 độ C, dễ mắc nhiều bệnh
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài trong nhiều ngày tới.
Thời tiết chuyển lạnh sâu, mấy ngày vừa qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện E liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Điều đáng nói, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người bệnh chủ quan. Ngược lại, bệnh lý tim mạch lại “tấn công” người già…
Khoa Cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận bệnh nhân nam (34 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu người bệnh, tiến hành làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết xác định người bệnh bị đột quỵ não.
Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi thể thao (bóng bàn) tại cơ quan sau giờ làm việc… Mọi người đều nghĩ người bệnh bị trúng gió nhưng người bệnh thấy yếu nửa người, nói khó… nên đã đến cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.
Người bệnh được chẩn đoán là tắc mạch máu não cấp, đến trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Người bệnh được chụp CT và được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên – khoa Cấp cứu, Bệnh viện E – cho biết, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua, khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch.
Để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…
Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường… nếu thấy những đột ngột nói khó, liệt ½ người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt… gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch trong những ngày lạnh tăng khoảng 20%.
Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị – Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông – cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho bệnh tim mạch tăng cao hơn vào mùa đông lạnh giá.
Thời tiết lạnh làm tăng tiết các catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Vào mùa Đông lạnh, huyết áp thường tăng cao hơn so với mùa hè khoảng 5mmHg, việc duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
Bộ Y tế khuyến cáo bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vào mùa lạnh, một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu…
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời: Người lao động nông nghiệp, công nhân…; Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp…
Theo đó, người dân, nhất là người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21h đêm đến 6h sáng; Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm… Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Không nên tắm sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng…