Bên trong, các y bác sĩ tất bật triển khai nhiệm vụ cứu chữa người bệnh. Tất cả công việc đều được tiến hành khẩn trương nhất có thể. Đây có lẽ là nơi đèn điện không bao giờ tắt, và cũng… không được phép tắt.
Đêm Giao thừa, một bệnh nhân bị xuất huyết thực quản được chuyển lên từ tuyến dưới. Máu từ trong miệng bệnh nhân cứ liên tục trào ra không ngừng, mê sảng. Người nhà bệnh nhân hoảng sợ, hét lên: “cứu chồng tôi với”. Các y bác sĩ ngay lập tức lao về phía giường bệnh như tên bắn, nhanh chóng xử trí, trấn an người bệnh và gia đình.
Trong khi đó, một nhóm khác, lại khẩn trương cấp cứu một bệnh nhân đang khó thở, một nhóm khác nữa lại đẩy một bệnh nhân nặng đi vào khu cấp cứu bên trong…
Cứ như thế, không khí Tết tại Trung tâm cấp cứu A9 chẳng khác ngày thường là mấy. Bệnh nhân cứ liên tiếp nhập viện. Y bác sĩ thì tất bật cứu người, không có giờ phút ngơi nghỉ.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9- Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Trong dịp Tết, có những ngày, các y bác sĩ của chúng tôi không có thời gian dừng lại để thở. Mọi thứ cứ như một guồng máy phải chạy hết công suất. Những ngày cuối năm, đêm Giao thừa, mùng 1 Tết, bệnh nhân phải cấp cứu vắng hơn thì bệnh cấp cứu lại đa dạng hơn, vì những bệnh nhân gặp nguy hiểm mới vào trung tâm cấp cứu những ngày này. Chúng tôi phải tập trung cao độ cho công tác chuyên môn để tránh những sai sót có thể xảy ra”.
Vào khoảng mùng 2 Tết, bệnh nhân sẽ có xu hướng tăng lên. Bác sĩ Tuấn cho biết, đến ngày mùng 3, 4, 5 sẽ là những ngày cao điểm nhất trong cấp cứu dịp Tết. “Trung bình khi trực Tết, một ngày chúng tôi cấp cứu khoảng 250- 300 bệnh nhân nặng nhưng những ngày cuối của kỳ nghỉ Tết, số lượng thường tăng gấp đôi. Năm nào cũng vậy”- BS Tuấn nói.
Những bác sĩ trực cấp cứu thường phải chọn những nhân lực “cứng”, có nhiều kinh nghiệm vì lực lượng trực Tết sẽ mỏng hơn những ngày thường. Với tình trạng nhiều bệnh nhân nặng, những người trực Tết đều là những y bác sĩ có chuyên môn tốt. Tua trực vẫn phải bố trí đầy đủ các vị trí không khác gì ngày thường. Công tác sẵn sàng ứng cứu thảm hoạ, tai nạn giao thông… cũng đều được xây dựng kịch bản, ca trực sau sẽ hỗ trợ cho ca trực trước. Tết, dù phải về quê xa hay bận việc gia đình, các y bác sĩ cũng sẽ có mặt tại Hà Nội 1 ngày trước ca trực.
“Bệnh của bố tôi trở nặng, khi được chuyển lên Trung tâm Cấp cứu A9, gia đình tôi đã rất yên tâm, dù cho Tết năm nay chẳng còn không khí gì nữa, tất cả đều tập trung lo lắng cho bố”- người nhà một bệnh nhân ở Vĩnh Phúc chia sẻ.
Trong những ngày cả nước nghỉ Tết, thậm chí vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng, mỗi y bác sĩ ai cũng đều tạm gác lại việc riêng. Họ thức trắng đêm, tất cả chỉ còn có chung 1 mục tiêu lớn, là nỗ lực cao nhất để giữ lại mạng sống cho người bệnh.