Bệnh nhân “khát” thuốc
Những ngày cuối tháng 6, hàng trăm bệnh nhân đang điều trị bạch cầu cấp dòng lympho tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng thiếu thuốc. Viện không có một số loại thuốc, hóa chất đặc trị, trong khi bệnh nhân không thể tiếp cận với thuốc rõ nguồn gốc khiến việc điều trị bị gián đoạn hoặc đình trệ.
Chị N.T.B ở Phú Thọ cho biết, con trai chị mắc bệnh bạch cầu cấp thể L2 được điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từ tháng 11.2023. Từ đầu năm 2024, tại viện xảy ra tình trạng thiếu một số loại thuốc và vật tư y tế, trong đó thiếu cả một số loại hóa chất điều trị chính cho bệnh nhân.
“Vincristine là thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh của con tôi. Ban đầu chúng tôi có thể mua loại hóa chất có xuất xứ từ Hàn Quốc với giá chưa đến 100.000 đồng tại nhà thuốc bệnh viện nhưng từ sau Tết Nguyên đán thì không thể mua được nữa” – chị B chia sẻ với phóng viên Lao Động.
Người nhà bệnh nhân sau đó rỉ tai nhau là có thể mua một loại thuốc nhập từ Ấn Độ và tự chia sẻ cho nhau số điện thoại của những người cung cấp để gọi thuốc. Sau đó, bên cung cấp sẽ gửi thuốc tới cổng viện với giá từ 170.000 đồng mỗi lọ, tùy từng thời điểm.
“Dù không rõ người bán, thuốc không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ nhưng vẫn phải mua cho người thân sử dụng để kịp với phác đồ điều trị. Bệnh viện không có thuốc thì chúng tôi phải tự thân vận động, đây là điều cực chẳng đã, không ai mong muốn” – chị B đau đớn chia sẻ.
Bên cạnh đó, viện không có một số loại hóa chất điều trị như Methotrexate, Etoposid, Endoxan… nên người bệnh buộc phải tìm mua từ bên ngoài đưa vào viện để điều trị.
“Dù vậy, không phải lúc nào cũng sẵn có hóa chất để mua, có khi phải chờ đợi vài ngày mới mua được. Không chỉ hóa chất, một số loại vật tư y tế, dịch truyền, đơn cử như đường Glucose 5% cũng thường xuyên thiếu” – chị B nói tiếp.
Cùng nỗi lo tương tự, người nhà của bệnh nhân T.M.H cho hay, con trai chị mới phát hiện bạch cầu cấp thể L2 và vào điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Buổi sáng thứ 2 bác sĩ kê đơn để gia đình đi mua Vanh (Vincristine – PV) về tiêm cho cháu nhưng tới trưa lại có thông báo viện yêu cầu không được sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc do bệnh nhân tự mua bên ngoài.
Hiện tại, gia đình bệnh nhân T.M.H rất lo lắng và không biết phải làm sao vì phác đồ điều trị cần có hóa chất này mà bệnh viện lại không có bán. Trong khi đó đi mua bên ngoài thì không biết làm cách nào để tiếp cận và mua được loại thuốc rõ nguồn gốc, đủ hóa đơn chứng từ để kịp thời điều trị cho người thân.
Tình trạng không có thuốc điều trị khiến không ít bệnh nhân đến rồi về hoặc phải tạm ngưng quá trình điều trị.
Trường hợp của chị H, ở Thanh Hóa có con điều trị đợt 2, lần 2 phác đồ A2 là một ví dụ. Vì không thể tiếp cận với thuốc Vincristine có nguồn gốc rõ ràng nên sau khi tiêm tủy cho con chị đã cùng con về nhà dù lẽ ra phác đồ điều trị lần này là một tuần tiêm 2 mũi Vincristine.
Bài toán bỏ lửng
Không có thuốc điều trị theo đúng phác đồ đồng nghĩa với việc đẩy bệnh nhân vào vòng xoáy tuyệt vọng. Viện không có thuốc, thuốc bệnh nhân tự mua không rõ nguồn gốc không được sử dụng đang trở thành “vòng kim cô” dần siết tính mạng của bệnh nhân.
Một số bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bạch cầu cấp thể lympho cho biết, tình trạng bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế, trong đó thiếu hóa chất ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình điều trị cho bệnh nhân.
Để kịp phác đồ và điều trị hiệu quả, có lúc bác sĩ tư vấn cho gia đình bệnh nhân mua và sử dụng thuốc hay hóa chất từ bên ngoài bệnh viện. Tuy vậy, bệnh nhân và người thân phải cam kết và tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc và chất lượng của thuốc cũng như vật tư y tế mua từ bên ngoài đưa vào điều trị.
Trong khi chờ đợi các cơ quan quản lý giải bài toàn thiếu thuốc và vật tư trong các cơ sở y tế công lập, những bệnh nhân ung thư vẫn đang phải neo mình trước “lưỡi hái sinh tử” để chờ đợi. Những bệnh nhân ung thư vốn đã phải chịu đau đớn và thiệt thòi vì bệnh tật nay lại phải gồng mình xoay xở và đang dần tuyệt vọng trong cơn “khát” thuốc.