Thứ ba, 02/04/2024 16:48 (GMT+7)
–Báo Lao Động trích đăng bài viết của Bác sĩ Nguyễn Yến, Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam về những thói quen có hại với hệ miễn dịch.
Tập thể dục không đúng cách
Nếu mọi người không lựa chọn đúng bài tập thể dục hay cường độ thì có thể gây hại cho sức khỏe. Tập luyện quá sức sẽ làm cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, tăng gánh nặng cho hệ tim mạch, tăng sản xuất các chất có hại cho cơ thể. Ngoài ra, nếu tập không đúng cách còn gây ra các chấn thương ở các hệ cơ xương khớp. Đây cũng là một yếu tố gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Uống ít nước
Nước là chất có mặt trong rất nhiều quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Vì nước vẫn hàng ngày bị thất thoát trong các hoạt động sống của chúng ta qua các con đường như qua tiểu tiện, qua hơi thở, qua da, vậy nên chúng ta nên bổ sung lượng nước khoảng 1,5-2 lít, lượng nước có thể dao động tùy vào thể trọng và mức độ hoạt động, tình hình bệnh lý của mỗi người.
Uống rượu
Việc tiếp xúc với rượu và đặc biệt là uống rượu nặng mãn tính, ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của hệ thống miễn dịch thích ứng. Tác động của rượu lên tế bào T và tế bào B làm tăng nguy cơ nhiễm trùng (ví dụ như viêm phổi, nhiễm HIV, nhiễm virus viêm gan C và bệnh lao), làm suy yếu phản ứng với việc tiêm chủng chống lại các bệnh nhiễm trùng đó, làm trầm trọng thêm nguy cơ ung thư và cản trở quá mẫn loại muộn.
Hút thuốc lá
Hút thuốc là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp như hen, khí phế thũng, tâm phế mạn, đặc biệt là ung thư phổi, hơn nữa nó còn làm suy giảm hệ miễn dịch.
Chế độ ăn uống không khoa học
Các chất béo bão hòa có trong các loại đồ ăn chiên, rán, nướng, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều đường, nước ngọt có ga, đồ uống có cồn… có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Vậy nên, mặc dù đây là món ăn khoái khẩu và gây kích thích vị giác thì chúng ta cũng nên kiềm chế để duy trì được một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Rửa tay không đúng cách
Bàn tay là vị trí chứa nhiều vi khuẩn do quá trình tiếp xúc và cầm nắm đồ vật hàng ngày. Nếu chúng ta không giữ thói quen rửa tay hay rửa tay sai cách thì bàn tay cũng có thể là con đường gián tiếp gây ra bệnh tật. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyên chúng ta nên rửa tay bằng xà phòng trong vòng 15 đến 20 giây.
Không kiểm soát tốt cân nặng
Các nghiên cứu cho rằng, béo phì, thừa cân có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Vậy nên, để có một thể trạng tốt, một cơ thể khỏe mạnh thì chúng ta nên kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh để thừa cân cũng tránh để cân nặng thấp quá mức bằng việc duy trì thói quen lành mạnh, chế độ ăn uống tập luyện hợp lý, lên kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Căng thẳng, lo âu
Có một mối liên hệ được chứng minh rõ ràng giữa hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống miễn dịch. Khi bị căng thẳng, hệ thống thần kinh trung ương giải phóng các hormone gây căng thẳng làm xáo trộn sự cân bằng và ổn định được duy trì bởi nhiều thành phần của hệ thống miễn dịch, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Ngủ không đủ giấc
Giấc ngủ được coi là yếu tố điều biến quan trọng của phản ứng miễn dịch. Vì vậy, thiếu ngủ có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, làm tăng khả năng nhiễm trùng của cơ thể.