Đã từ lâu, chúng ta hay dùng cụm từ “bụng bia” để ám chỉ bụng của những người uống nhiều rượu bia. Nhưng liệu các loại đồ uống có cồn có phải là nguyên nhân chính gây béo bụng? Kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn được công bố trên Tạp chí “Obesity Science & Practice” đã đề cập nhiều đến tác động của các loại đồ uống khác nhau đối với mỡ bụng.
Nhóm các nhà nghiên cứu do nhà khoa học Brittany A. Larsen dẫn đầu đã phân tích dữ liệu từ 1.869 người trưởng thành có độ tuổi từ 40 đến 80 tuổi và phát hiện ra rằng, đồ uống có cồn không có tác động giống nhau đến việc tích tụ mỡ bụng. Việc tích tụ này thường có xu hướng tăng theo tuổi tác, nhưng việc tiêu thụ rượu bia cũng có thể thúc đẩy tình trạng này.
Trong khuôn khổ của nghiên cứu, các chuyên gia đã quan sát tác động của các loại rượu khác nhau chẳng hạn như bia, rượu táo, rượu vang đỏ, rượu vang trắng, rượu sâm panh và rượu mạnh đối với mỡ bụng.
Trong khi việc tiêu thụ nhiều bia và rượu mạnh dẫn đến tăng mỡ nội tạng thì rượu vang đỏ lại có tác dụng ngược lại. Nguyên nhân dẫn đến kết luận trên có thể là do tác dụng chống viêm của rượu vang đỏ và khả năng ức chế việc lưu trữ chất béo trong cơ thể. Theo các nhà nghiên cứu, nếu tiêu thụ ở mức độ vừa phải, rượu vang đỏ có thể có tác động tích cực đến sức khỏe.
Mặt khác, theo kết quả nghiên cứu, rượu vang trắng không tác động đáng kể lên lượng mỡ trong cơ thể. Nghiên cứu cũng tìm thấy mối tương quan giữa việc tiêu thụ rượu vang trắng và việc cải thiện sức khỏe xương ở người trưởng thành ở một độ tuổi nhất định.
Tuy nhiên, việc lựa chọn đồ uống có cồn không phải là yếu tố duy nhất góp phần gây tăng cân. Chế độ ăn uống và khuynh hướng di truyền cũng là những yếu tố quyết định. Nghiên cứu nhấn mạnh thêm rằng, việc uống rượu ở mức độ vừa phải hoặc bỏ hoàn toàn là tốt cho sức khỏe hơn.