Tiến sĩ Gunita Singh (bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và nha khoa Laser tại Delhi, Ấn Độ với kinh nghiệm gần 20 năm) cho biết, ăn quá nhiều bất cứ thứ gì liên quan đến ngọt, và đặc biệt là sôcôla đều nguy hiểm.
“Hãy để những thực phẩm này tránh xa trẻ em càng nhiều càng tốt. Bởi, trong khi tâm trí chúng ta có thể thích sôcôla, thì răng của chúng ta lại không. Dù sôcôla đen vẫn có một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng bạn nên tránh cho con tiêu thụ sôcôla sữa và sôcôla ngọt”, Tiến sĩ Gunita Singh nói.
Lý do sôcôla không tốt cho răng miệng trẻ em
Hàm lượng đường cao: Hàm lượng đường cao trong sôcôla thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong miệng, góp phần gây ra mảng bám và bệnh nướu răng.
Tổn thương răng: Vi khuẩn trong miệng chuyển hóa đường thành axit, dẫn đến tổn thương răng và sâu răng.
Men răng yếu: Hàm lượng đường trong sôcôla làm suy yếu men răng, khiến răng nhạy cảm với nóng và lạnh.
Nhạy cảm răng: Sôcôla có chứa ca cao, một chất mài mòn có thể gây ê buốt răng và hỏng men răng.
Sự thoái hóa men răng: Khi chúng ta ăn sôcôla, nó sẽ dính vào răng. Vi khuẩn trong răng của chúng ta bắt đầu phân hủy các hạt thức ăn, dẫn đến sản xuất axit. Axit làm giảm độ pH của miệng, góp phần làm thoái hóa men răng.
Tuy nhiên, sôcôla có thể tốt cho cơ thể nếu tiêu thụ ở mức độ vừa phải trong vòng một giờ sau khi kết thúc bữa ăn.
Lợi ích của việc ăn sôcôla đen
Tiến sĩ Gunita Singh chỉ ra những lợi ích của việc tiêu thụ sôcôla ở mức độ vừa phải gồm: “Polyphenol trong sôcôla đen, thô và chưa qua chế biến có thể giúp chống lại vi khuẩn trong miệng, giảm hơi thở có mùi hôi. Ngoài ra, flavonoid có trong sôcôla đen có thể làm giảm sâu răng. Chất chống oxy hóa trong sôcôla đen có lợi cho sức khỏe tổng thể, ngay cả đối với sức khỏe nướu răng.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Gunita Singh, việc để trẻ tiêu thụ quá nhiều sôcôla trước bữa ăn sẽ gây ra cảm giác no, từ đó ảnh hưởng đến cảm giác ăn uống, nhưng ăn xong lại cảm thấy đói bụng rất nhanh. Điều này làm rối loạn thói quen ăn uống và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.