Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước đã cảnh báo về sự lây lan của dịch COVID-19 trong tháng 12 năm ngoái khi số ca tử vong tăng chóng mặt.
Theo ông Tedros, gần 10.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã được báo cáo trong tháng 12.2023, trong khi tỉ lệ nhập viện đã tăng 42% ở gần 50 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ.
“Mặc dù 10.000 trường hợp tử vong mỗi tháng thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm của đại dịch, nhưng mức tử vong vốn có thể phòng ngừa được này là không thể chấp nhận được” – Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
Ông Tedros cũng khẳng định các ca bệnh đang gia tăng ở những nơi khác dù chưa được báo cáo, đồng thời kêu gọi các chính phủ tiếp tục giám sát và đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, tiêm vaccine.
Dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2023 tới đầu năm 2024, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ghi nhận các biến thể mới trong đó có các biến thể cần theo dõi (XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86, JN.1); các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác vẫn được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới như: Bệnh Nipah tại Ấn Độ, Cúm A (H5N1) tại Campuchia, Cúm (H1N2) tại Vương quốc Anh, MERS-CoV tại khu vực Trung Đông; các bệnh viêm đường hô hấp gia tăng tại một số nước.
Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội tại nước ta.
Cập nhật thường xuyên các thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống ngay tại cửa khẩu; Tăng cường giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tại nước ta.
Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại từng cửa khẩu, trong đó có phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, lưu ý kế hoạch cần có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương.
Xây dựng kế hoạch giám sát trọng điểm lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus.
Tại Việt Nam, trong 2 tuần đầu năm 2024 ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố; số mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhẹ nhưng không có trường hợp nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả.