Số hóa giấy chuyển tuyến
Chia sẻ với Lao Động, Thạc sĩ Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế đang nghiên cứu tiến tới áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để thủ tục chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng.
Trong đề án 06 của Chính phủ, Bộ Y tế đang xúc tiến chuẩn bị phối hợp với Bộ Công an để ứng dụng các giấy chuyển tuyến, khám lại vào hệ thống VssID hoặc VNeID. Theo đó, người bệnh chỉ cần điện thoại, mã BHYT, mã giấy chuyển tuyến khi đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh được chuyển đến trình là có thể khám chữa bệnh. Các bệnh viện thực hiện ký số thay cho ký giấy thông thường.
Đồng thời, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân và mở rộng mô hình bác sĩ gia đình với cơ chế chuyển tuyến thuận tiện. Bác sĩ gia đình có thể chuyển người bệnh lên tuyến trung ương phù hợp với tình trạng bệnh.
Theo bà Trang, để làm được việc này, cần phải số hóa việc quản lý sức khỏe người dân, cung cấp thông tin chuyển tuyến cũng như công khai các danh mục chuyên môn kỹ thuật… Đây cũng là giải pháp để người bệnh biết được thông tin và các cơ sở khám chữa bệnh cũng thuận lợi hơn trong việc chuyển tuyến, giảm tối đa các phiền hà cho người bệnh.
Ngoài ra, nhằm “hóa giải” những bất cập trong thủ tục chuyển tuyến được phản ánh trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế sẽ quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh. Nếu không chuyển bệnh nhân khi vượt quá năng lực của cơ sở, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bệnh, thậm chí có thể gây tai biến cho người bệnh, cơ sở phải chịu trách nhiệm. Các quy định về chế tài kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, có thể là đình chỉ hoạt động hoặc có những biện pháp khác theo quy định về chuyển tuyến.
Mở rộng phạm vi chi trả BHYT tuyến dưới
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), cũng thông tin Bộ Y tế đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới có đủ năng lực, được đầu tư có thể triển khai kỹ thuật và sử dụng thuốc của tuyến trên.
Khi được phê duyệt danh mục kỹ thuật, bệnh viện tuyến huyện, thậm chí là tuyến tỉnh, nơi người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ban đầu phải căn cứ vào danh mục này và năng lực của cơ sở để cân nhắc việc chuyển ngang bệnh nhân tới các cơ sở y tế cùng hạng mà có kỹ thuật đó, để người dân vẫn được hưởng đúng tuyến khám chữa bệnh BHYT.
Khi đó, người bệnh không nhất thiết phải có giấy chuyển tuyến và không phải chuyển đến cơ sở không có kỹ thuật và dịch vụ đó. Hoặc trường hợp cơ sở không có đủ thuốc chuyên khoa để điều trị cho người bệnh thì người bệnh cũng có thể lên tuyến trên.
Ngoài ra, Bộ đang xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 20 cập nhật danh mục thuốc BHYT theo hướng mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính, một số thuốc mới, chi phí lớn cho các bệnh mãn tính có thể khám, chẩn đoán ban đầu ở tuyến trung ương và về cấp phát, lĩnh thuốc lâu dài ở tuyến xã.
Cùng đó, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến…