Thiếu thuốc, vật tư chỉ diễn ra cục bộ
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế nếu thể chế có đầy đủ nhưng ở địa phương, đơn vị “mà còn vấn đề nọ vấn đề kia” trong tổ chức thực hiện thì cũng dẫn đến tình trạng không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh…
Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc bệnh viện cho hay, cuối năm 2023 Bệnh viện Bạch Mai chi gần 4.000 tỉ đồng mua trang thiết bị, vật tư, thuốc. Thời điểm cuối năm 2023, bệnh viện trúng thầu 4 máy cộng hưởng từ, 2 máy CT, 20 hệ thống nội soi đường tiêu hóa, gói thầu máy siêu âm, X-quang phục vụ khám chữa bệnh, hoàn thành mua sắm 7 gói hệ thống phẫu thuật nội soi. Thuốc điều trị cơ bản đều đáp ứng đủ.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đầu năm nay, bệnh viện thiếu thuốc điều trị ung thư do nguồn cung nhưng đến giờ đã có 3 công ty báo giá cung cấp nên việc thiếu thuốc đã được giải quyết.
Bệnh viện không rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhiều là do bộ phận chức năng liên tục kiểm tra số lượng thuốc, lên kế hoạch dự trù mua sắm, khi thấy nguy cơ thiếu thuốc, phải xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu; sau khoảng 30-90 ngày sẽ có thuốc. Một số tình huống bệnh viện được phép mua quá 30% để tránh tình trạng thiếu thuốc trong vài tháng chờ thầu mới thì vẫn có thuốc dùng.
Loạt giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhận diện được vấn đề này, Bộ Y tế đã đề ra giải pháp khắc phục, trong đó, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư liên quan để ban hành Thông tư, Nghị định, Luật.
Bộ cũng chủ động ban thành Thông tư dưới Luật hướng dẫn về lĩnh vực đấu thấu vật tư y tế; danh mục thuốc đàm phán giá; danh mục thuốc đấu thầu tập trung; quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, Bộ đã hướng dẫn cụ thể về các bước xây dựng, quy trình…
Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện 2 dự án Luật hết sức quan trọng: Luật Dược (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10.2024.
Các văn bản cũng có nhiều điểm mới nổi bật như: Cho sử dụng 1 giấy báo giá hoặc cho phép lấy giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính, chuyên môn, nhu cầu của các đơn vị, địa phương, cơ sở y tế (trước đây phải có 3 báo giá).
Ngoài ra, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động chi thường xuyên; Luật Đấu thầu được thực hiện trong trường hợp cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) bao gồm các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp do nhu cầu đột xuất, không có mặt hàng thay thế và bắt buộc phải sử dụng để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người bệnh; cơ sở y tế được áp tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% số lượng theo hợp đồng chưa có.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/quyet-liet-giai-quyet-thieu-thuoc-vat-tu-tai-co-so-y-te-1380352.ldo