PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được phê duyệt vào lúc này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo định hướng chiến lược, cơ sở pháp lý cũng như động lực để ngành Y tế phát triển mạng lưới cơ sở y tế.
Đối tượng quy hoạch bao gồm 5 cơ sở y tế cấp vùng, liên tỉnh và liên ngành thuộc các lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; Giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần; Y tế dự phòng, y tế công cộng; Kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vaccine và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế, sản xuất dược phẩm, vaccine, sinh phẩm y tế và thiết bị y tế; lĩnh vực dân số – sức khỏe sinh sản.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế không bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước về y tế (Vụ, Cục, Tổng cục, Chi cục…) cũng như không bao gồm các cơ sở y tế địa phương (vốn thuộc phạm vi quy hoạch tỉnh). Thay vào đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế đưa ra những định hướng mang tính nguyên tắc để hướng dẫn các địa phương đưa hợp phần mạng lưới cơ sở y tế địa phương vào quy hoạch tổng thể của tỉnh.
Định hướng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế thông qua phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật cấp chăm sóc chuyên sâu (trong đó một số bệnh viện được phát triển bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế);
Gia tăng tổng nguồn cung các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối, bao gồm cả tổng cung và cung dịch vụ chuyên sâu tuyến cuối của một số chuyên khoa ưu tiên như ung bướu, tim mạch, sản/sản – nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm;
Cải thiện sự phân bổ trên không gian địa lý của các bệnh viện cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối nhằm cải thiện khả năng tiếp cận địa lý (nâng cấp một số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh để đảm nhận chức năng vùng, phát triển mạng lưới cơ sở vệ tinh của các bệnh viện tuyến TW, xây mới một số bệnh viện tuyến TW tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long..);
Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng: Hình thành Cơ quan Kiểm soát Bệnh tật Trung ương (với hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 4) và 3 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật khu vực (với hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3) gắn với các Viện Vệ sinh dịch tễ và Pasteur hiện có để đảm nhận vai trò kết nối và hỗ trợ các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh.
Đối với lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn: Phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật ở cả cấp quốc gia và cấp vùng thông qua nâng cao năng lực các viện chuyên ngành quốc gia (phát triển hệ thống phòng thí nghiệm tham chiếu, phát triển trung tâm kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị y tế, nâng cấp trung tâm đánh giá tương đương sinh học…); phát triển 6 Trung tâm Kiểm nghiệm vùng tại 6 vùng kinh tế – xã hội, nâng cấp các Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học đảm nhận chức năng vùng.
Đối với lĩnh vực giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần: Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất của các đơn vị giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần hiện có. Xây dựng mới 1 cơ sở giám định pháp y khu vực tại TP Hồ Chí Minh; 2 cơ sở giám định pháp y tâm thần khu vực tại Nghệ An và TP Hồ Chí Minh.
Đối với lĩnh vực dân số – sức khỏe sinh sản: Phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh gắn với các bệnh viện chuyên khoa sản/sản – nhi, bệnh viện có chuyên khoa sản/sản – nhi.
Phát triển 6 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực hiện có tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Hình thành 2 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cấp vùng tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…