Đang cầm điện thoại trên tay, nhưng chị Nguyễn Hà Phương (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) lại chạy lên phòng tầng 2 tìm lại điện thoại, khi lên tới nơi mới phát hiện ra điện thoại ở trên tay. Hay có lần nấu cháo trên bếp nhưng chị lại quên, khi có mùi khét mới vội vàng nhớ và tắt bếp… Đó là chia sẻ của chị Phương, sau khi trải qua 2 lần sinh con, chị liên tục quên trước, quên sau nhiều lần.
“Có những thời điểm quên nhiều quá, khi làm gì, tôi phải hẹn báo thức. Nhưng cũng chỉ cải thiện 50%”, chị Phương buồn bã chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc phụ nữ sau sinh suy giảm trí nhớ khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân chính gây nên chứng suy giảm trí nhớ sau sinh là sự mất cân bằng estrogen. Ngoài chức năng là một hormon riêng biệt của phái nữ, estrogen còn có tác dụng làm thay đổi tế bào gốc của hệ thần kinh trung ương, tái sinh đồi hải mã và thay đổi hình dáng não bộ, do đó estrogen cũng nhận trách nhiệm trong việc tạo nên trí nhớ.
Khi mang thai, đỉnh của hormone estrogen sẽ tăng dần trong tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ hai, sau đó giảm dần trong tam cá nguyệt cuối cho đến 3 tháng hậu sản mới trở về bình thường.
Do đó, sau khi em bé chào đời, sự thiếu hụt đột ngột estrogen khiến cơ thể bà bầu chưa kịp thích nghi, dẫn đến chứng suy giảm trí nhớ sau sinh, não bộ hoạt động trì trệ hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những người phụ nữ đã từng sinh em bé và đặc biệt nếu sinh nhiều lần thì trí nhớ sẽ kém hơn hẳn những người cùng độ tuổi.
Tuy nhiên, chứng suy giảm trí nhớ sau sinh mang tính chất cá thể, tùy theo từng đối tượng mà mức độ sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, một loại hormone khác là oxytocin được sản xuất nhiều ở giai đoạn cho con bú, cũng gián tiếp ảnh hưởng làm giảm nồng độ estrogen trong máu và cộng hưởng gây nên tình trạng suy giảm trí nhớ sau sinh.
TS.BS Trần Công Thắng – Phó Chủ tịch Hội Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam cho biết, dấu hiệu nhận biết sớm sa sút trí tuệ là giảm trí nhớ tăng dần. Nếu một người giảm trí nhớ tăng dần liên tục trong vòng 3-6 tháng thì có khả năng người đó bắt đầu sa sút trí tuệ. Bên cạnh đó, còn có những biểu hiện với những triệu chứng khác tăng dần như: quên việc đang làm, đường đi; đang nói chuyện quên chuyện mình đang nói; quên cách dùng từ; lên kế hoạch và không thực hiện theo đúng kế hoạch; đi lạc đường; thay đổi tính tình không phù hợp hoàn cảnh… Đây là những biểu hiện bắt đầu của sa sút trí tuệ.
Phụ nữ sau sinh có biểu hiện quên cũng khá nhiều. Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu hiệu của sa sút trí tuệ mà là do áp lực công việc, stress dẫn đến giảm sự tập trung chú ý. Đối với trường hợp trên thì tập trung giải quyết stress sẽ cải thiện tập trung chú ý và cải thiện trí nhớ.
“Stress nếu không giải quyết về lâu dài thì đây là yếu tố thúc đẩy thuận lợi tích lũy sản phẩm thoái hóa trong não. Nếu sản phẩm thoái hóa trong não quá nhiều thì dẫn đến sa sút trí tuệ sớm. Do đó, phải có lối sống khỏe mạnh (ăn uống lành mạnh, ít chất béo, nhiều rau xanh, uống đủ nước, không hút thuốc lá…), giảm stress, tập thể dục thường xuyên để loại bỏ sản phẩm thoái hóa não” – bác sĩ Thắng nói.