Triglyceride là gì?
Theo Tiến sĩ Mahesh DM, Chuyên gia tư vấn – Nội tiết, Bệnh viện Aster CMI, Bengaluru, Ấn Độ, triglyceride là chất béo có trong máu, thành phần quan trọng của hệ thống dự trữ năng lượng của cơ thể. Chúng được hình thành từ glycerol và ba loại axit béo, có thể là bão hòa hoặc không bão hòa. Khi cơ thể tiêu thụ nhiều calo hơn mức cần thiết, đặc biệt là từ carbohydrate và chất béo, nó sẽ chuyển hóa lượng calo dư thừa này thành triglyceride.
Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Ấn Độ, triglyceride có trong thực phẩm, đặc biệt là bơ, dầu và các chất béo khác mà bạn ăn. Những triglyceride này sau đó được lưu trữ trong các tế bào mỡ để sử dụng sau.
Tiến sĩ Mahesh cho biết, nồng độ triglyceride trong máu cao có thể chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch (CVD), cần phải theo dõi cẩn thận.
Nồng độ triglyceride tăng cao có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không?
Tiến sĩ Mahesh cho biết thêm, nồng độ triglyceride cao sẽ gây ra tình trạng các tế bào của cơ thể không phản ứng hiệu quả với insulin. Kháng insulin là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 vì nó làm suy yếu khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể. Sự kết hợp của lượng triglyceride cao và bệnh tiểu đường cũng có thể tăng nguy cơ tim mạch.
– Xơ vữa động mạch: Triglyceride tăng cao góp phần hình thành mảng bám trong động mạch, cản trở lưu thông máu và làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
– Rối loạn chức năng mạch máu: Lượng đường trong máu cao làm suy yếu khả năng phản ứng của mạch máu, thúc đẩy hình thành mảng bám và hạn chế lưu lượng máu.
– Nguy cơ huyết khối: Lượng đường trong máu tăng có thể làm tăng quá trình đông máu, làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Làm thế nào để giảm mức triglyceride?
– Chế độ ăn uống nên có nhiều chất xơ tự nhiên, chẳng hạn như rau tươi, hạt kê, ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc và các loại đậu. Chất xơ có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, hạ thấp lượng đường trong máu và cản trở quá trình hấp thụ chất béo, cholesterol trong chế độ ăn.
– Tránh các loại thịt mỡ, thực phẩm từ sữa nhiều chất béo và đồ tráng miệng. Thay vào đó, hãy chọn chất béo lành mạnh hơn như dầu ô liu và cá giàu axit béo omega-3.
– Giảm tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, chẳng hạn như đồ uống có ga và thực phẩm chế biến, vì những thứ này có thể làm tăng lượng triglyceride.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/nong-do-triglyceride-tang-cao-co-nguy-co-mac-benh-tieu-duong-1385083.ldo