Sau nhiều ngày điều trị bệnh cúm A/H5, nam sinh viên 21 tuổi, ở Khánh Hòa đã tử vong do chuyển nặng. Những người tiếp xúc với bệnh nhân phải theo dõi sức khỏe. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa cho biết, nam bệnh nhân trên dương tính với virus cúm A/H5 diễn tiến nặng, phổi bị xơ. Đây là ca đầu tiên tử vong do cúm A/H5 tại Việt Nam trong năm nay, chưa rõ nguồn lây nhiễm.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, cúm A/H5 được gọi là cúm gia cầm, là bệnh nhiễm virus có thể lây nhiễm không chỉ cho chim, gia cầm mà còn cả người và các động vật khác.
Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bệnh cúm A/H5
Cúm A/H5 có khả năng tồn tại trong thời gian dài. Hơn nữa, có những trường hợp dễ nhiễm cúm A/H5 hơn bình thường như:
– Người chăn nuôi gia cầm.
– Tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh.
– Người ăn thịt gia cầm hoặc trứng chưa nấu chín.
– Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
– Thành viên trong gia đình của một người bị nhiễm bệnh.
Phương thức lây truyền:
– Các chủng của virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người.
– Virus cúm lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này sang trại chăn nuôi khác bằng cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép…
– Virus có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất.
– Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.
– Virus có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm), qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virus…), tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm virus.
– Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
Làm thế nào để phòng ngừa cúm gia cầm?
Mọi người có thể phòng ngừa cúm gia cầm bằng một số biện pháp sau:
– Không giết mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
– Không ăn thịt gia cầm, trứng chưa được nấu chín. Đặc biệt, không nên ăn tiết canh, trứng chần…
– Khi gia cầm có biểu hiện cúm nên đeo găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc. Sau đó, nên rửa tay bằng xà phòng hoặc khử khuẩn bằng cồn 70 hoặc 90 độ.
– Nếu phát hiện gia cầm bị ốm hàng loạt, nên báo cho chính quyền địa phương để có hướng giải quyết.
– Nếu thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng cúm, nhất là khi tiếp xúc với gia cầm ốm, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra.