Nguyên nhân phổ biến gây khô miệng khi mang thai
Theo Tiến sĩ Apurva Gupta, Chuyên gia tư vấn – Sản phụ khoa tại Daffodils by Artemis, Delhi, Ấn Độ, một trong những lý do chính gây khô miệng khi mang thai là do thay đổi hormone. Những thay đổi này có thể làm thay đổi chức năng của tuyến nước bọt, dẫn đến giảm lượng nước bọt tiết ra và gây cảm giác khô miệng.
Estrogen đóng vai trò tích cực trong việc duy trì độ ẩm của niêm mạc và khi nồng độ estrogen thay đổi, nó có thể dẫn đến giảm lượng chất bôi trơn trong miệng.
Ngoài sự thay đổi hormone, còn có những yếu tố khác có thể gây khô miệng khi mang thai:
– Mất nước, vì phụ nữ mang thai thường cần nhiều chất lỏng hơn.
– Tăng thể tích máu.
– Việc sử dụng vitamin trước khi sinh và các loại thuốc khác.
– Căng thẳng và lo âu.
Các tình trạng liên quan đến thai kỳ có thể dẫn đến khô miệng
Tiến sĩ Gupta lưu ý rằng, một số tình trạng liên quan đến thai kỳ cũng có thể dẫn đến khô miệng:
– Bệnh tiểu đường thai kỳ được đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao.
– Nôn nghén nặng có biểu hiện buồn nôn và nôn dữ dội.
– Tiền sản giật là biến chứng khi mang thai liên quan đến huyết áp cao và nguy cơ tổn thương cơ quan.
Những tình trạng này có thể làm trầm trọng cảm giác khô miệng và cần được kiểm soát cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Những biến chứng cần chú ý
Mặc dù tình trạng khô miệng có vẻ không đáng lo ngại nhưng nếu không được điều trị trong thời kỳ mang thai, nó có thể dẫn đến một số rủi ro và biến chứng.
Tiến sĩ Apurva Gupta cho biết thêm: “Giảm sản xuất nước bọt làm tăng khả năng mắc các vấn đề về răng miệng, chẳng hạn như sâu răng và bệnh nướu răng, do giảm khả năng làm sạch tự nhiên và tác dụng kháng khuẩn. Đối với phụ nữ mang thai mắc các tình trạng như tiểu đường thai kỳ, tình trạng mất nước do khô miệng có thể làm xấu đi sức khỏe tổng thể, có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi”.
Cách quản lý
Sau đây là một số mẹo để kiểm soát tình trạng khô miệng khi mang thai:
– Tăng cường uống nước, đặc biệt là nước lọc.
– Ngậm kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường để kích thích sản xuất nước bọt.
– Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà.
– Tránh xa caffeine và rượu.
– Duy trì vệ sinh răng miệng tốt, bao gồm đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
– Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/nhung-ly-do-khien-ban-bi-kho-mieng-khi-mang-thai-1388179.ldo