Lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh từ thú cưng
PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, những năm gần đây số lượng bệnh nhân về ký sinh trùng tăng nhiều hơn. Bệnh nhân đến khám chủ yếu với triệu chứng ban đầu là ngứa. Đa phần người dân nghĩ ngứa là đến da liễu khám. Có người ngứa thời gian dài không khỏi nhưng đến đây thì phát hiện ra nhiễm giun chó mèo.
Bệnh nhi nam 9 tuổi được đưa đến khoa Da liễu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khi phần đầu bị tổn thương lở loét, chảy dịch. Trước khi vào viện, gia đình phát hiện trẻ có vùng đỏ ở da đầu, nhiều mụn vùng chân tóc, kích thước khoảng (5×6) cm. Sau 5 ngày tự điều trị ở nhà, tổn thương ở da đầu trẻ càng ngày càng lan rộng hơn, sưng nề đỏ, rụng tóc dần khiến trẻ đau nhức.
Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhi được chẩn đoán bị nấm tổ ong da đầu (kerion). Nguyên nhân gây bệnh là do đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các loại nấm sợi. Các loài nấm này có thể lây từ người sang người do dùng chung vật dụng, hoặc lây từ vật nuôi trong nhà (chó, mèo) sang người.
Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương vừa điều trị cho bệnh nhân nữ 43 tuổi ở Hà Nội bị ngứa ngáy khó chịu suốt thời gian qua nhưng không phát hiện ra nguyên nhân. Ban đầu, dưới 2 nách xuất hiện loạt những nốt như rôm, ngứa… điều trị không khỏi. Sau đó, toàn bộ đùi nổi nốt sần rất khó chịu. Chỉ đến khi tới Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, người bệnh được xét nghiệm 8 loại ký sinh trùng, ấu trùng. Kết quả: Dương tính với sán dây chó.
PGS.TS Đỗ Trung Dũng cho biết, chó, mèo, chim… là những vật trung gian truyền bệnh cho người. Hiện nay rất nhiều người thích nuôi thú cưng, phổ biến là nuôi chó và mèo. Đặc biệt ở giới trẻ, việc nuôi thú cưng đã trở nên rất phổ biến ở các thành phố lớn.
Ít ai ngờ rằng chính việc tiếp xúc quá gần gũi với thú cưng là nguyên nhân làm cho số bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo gia tăng những năm gần đây. Nếu như trước đây, các ca nhiễm giun sán chủ yếu là các loại giun đũa, giun tóc, giun kim… Có những trường hợp trong ruột chứa hàng trăm con giun gây tắc, thậm chí giun chui cả vào ống mật. Hiện nay, bệnh nhân nhập viện chủ yếu là do nhiễm giun đũa chó mèo do nuôi thú cưng.
Không nên ăn, ngủ chung, ôm hôn chó, mèo
Riêng tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương), trong năm 2023 đã điều trị 15.527 bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó mèo. Mỗi năm có khoảng 20.000 người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị ở tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc.
TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, không phải ai nhiễm sán dây chó, giun đũa chó mèo đi khám cũng được chẩn đoán chính xác, mà bị chẩn đoán nhầm, điều trị nhầm kéo dài nhiều năm khiến bệnh tình chuyển biến phức tạp.
Người nhiễm giun đũa chó mèo thường có biểu hiện giống với nhiều bệnh da liễu như: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, khó thở…, lâu dài có thể có tình trạng gan to, viêm phổi, đau bụng, tổn thương ở mắt, rối loạn thị lực… Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ ấu trùng giun sán.
Để có thể chung sống an toàn với các loài vật nuôi, TS Hoàng Đình Cảnh lưu ý, với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi chó mèo định kỳ 3-6 tháng/lần. Bên cạnh đó, không để phân chó mèo phát tán ra môi trường, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa.
Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun. Mặt khác, rửa sạch tay sau khi chơi với vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, bảo đảm ăn chín, uống sôi; vệ sinh sạch sẽ khu vui chơi của trẻ em. Đặc biệt, không nên ăn, ngủ chung, ôm hôn chó, mèo.