Chất lượng giấc ngủ, bao gồm ngủ quá ít hoặc quá nhiều, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe, trong đó có mức cholesterol. Ngủ là thời gian cơ thể phục hồi và nạp lại năng lượng. Lúc này, cơ thể giải phóng các hormone giúp các mô và tế bào phục hồi sau khi hoạt động cả ngày. Huyết áp của bạn giảm xuống, nhịp tim chậm lại, từ đó, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Hầu hết người lớn nên nhắm tới giấc ngủ phục hồi 7 – 9 tiếng mỗi đêm. Nếu ngủ không đủ, bạn có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, dẫn đến cholesterol cao. Những người có xu hướng ngủ quá ít mỗi đêm có nhiều khả năng có chất béo trung tính cao và cholesterol HDL (cholesterol tốt) thấp.
Nếu bạn không ngủ đủ giấc, các hormone quan trọng có thể bị ảnh hưởng. Cơ thể bạn có thể sản xuất quá nhiều hormone gây căng thẳng, thúc đẩy sự thèm ăn. Tuy nhiên, lại sản xuất quá ít leptin – loại hormone điều chỉnh trọng lượng cơ thể. Sự mất cân bằng hormone này cũng có thể khiến lượng cholesterol của bạn mất cân bằng.
Những người bị gián đoạn giấc ngủ do ngưng thở khi ngủ thường có lượng cholesterol toàn phần, cholesterol LDL (cholesterol xấu) và chất béo trung tính trong máu cao và mức cholesterol HDL thấp. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ cũng có xu hướng thừa cân, có thể dẫn đến cholesterol cao.
Trong khi đó, ngủ quá nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến cholesterol. Theo nghiên cứu, những người ngủ từ 9 tiếng trở lên mỗi đêm có nhiều khả năng bị mỡ máu cao và béo phì.
Để có được giấc ngủ chất lượng cao mỗi đêm, bạn nên đặt thời gian đi ngủ và thức dậy hàng ngày. Đừng ngủ ít hơn vào các buổi tối trong tuần rồi cố gắng ngủ bù vào cuối tuần.
Đảm bảo phòng ngủ của bạn mát mẻ, tối và yên tĩnh. Đọc sách hoặc thực hiện các bài tập thở để thư giãn trước khi đi ngủ. Không để điện thoại thông minh cạnh giường. Cắt giảm các sản phẩm có cồn, caffeine hoặc nicotin có thể làm hỏng giấc ngủ.