Luật Đấu thầu (sửa đổi) tháo gỡ cho ngành y
Hơn hai năm xây dựng, ngày 23.6.2023, tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua toàn văn dự án Luật Đấu thầu sửa đổi với tỉ lệ tán thành và ủng hộ dự thảo luật này hơn 93% với 97 đại biểu tham dự “bấm nút”.
Theo đó, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 với 10 chương, 96 điều quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, đã bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến việc đấu thầu của ngành y tế và dành riêng chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Bên cạnh việc điều chỉnh 8 hình thức trong luật trước đây như: Đấu thầu tập trung, chỉ định giá, đàm phán giá, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt… thì lần này Luật còn mở rộng thêm 2 hình thức (Đấu thầu ngược và mua sắm trực tuyến) cho các đơn vị. Hay Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 cũng phân định rõ các tình huống cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa… cũng như quy định rõ những nội dung hình thức nào phải đấu thầu hay mua sắm theo các hình thức khác.
Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, tập trung vào 05 nhóm tiêu chí cơ bản:
Thứ nhất là các quy định nhằm xác định rõ đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại trong Luật đấu thầu trước đây.
Thứ hai là đơn giản hoá các quyết định thủ tục sát với tình hình hiện nay. Dù rằng, trước đây công tác đấu thầu đã tiếp cận được những tiêu chí quốc tế, nhưng hiện nay vẫn tiếp tục cải cách, tiếp tục cắt giảm thời gian đấu thầu các cách giảm các khâu trung gian đẩy mạnh hình thức đấu thầu qua mạng, để tiến tới việc chuyển đổi số.
Thứ ba là nhóm chính sách nhằm ưu tiên, ưu đãi đối với các hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm đổi mới sáng tạo và các kỹ thuật để thay thế hàng nhập khẩu, thuốc đạt chứng nhận WHO-GMP.
Thứ tư là nhóm chính sách đưa ra để nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong ngành y tế trong đấu thầu của ngành y tế mà thời gian qua đã gặp phải.
Thứ năm, nhằm nâng cao về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu quản lý, phòng chống tham nhũng được quy định cụ thể trong luật đấu thầu sửa đổi 2023 và Bộ Luật Hình Sự 2015.
Theo đó, quy định các trách nhiệm của từng bên khi tham gia đấu thầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền, của chủ đầu tư, nhà thầu khi tham gia hoạt động đấu thầu. Những điều được làm và không được làm. Nghiêm cấm hành vi “cài cắm” tạo điều kiện cho một đơn vị nào đó, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.
Luật khám, chữa bệnh 2023
Một số quy định mới về người hành nghề khám, chữa bệnh theo luật khám bệnh, chữa bệnh 2023. Theo đó:
– Mở rộng đối tượng hành nghề trên cơ sở thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.
– Các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm: Bác sĩ, Y sĩ, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y, Dinh dưỡng lâm sàng, Cấp cứu viên ngoại viện, Tâm lý lâm sàng, Lương y, Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
– Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề (không áp dụng đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền).
– Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 05 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.
– Quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.
Một số quy định mới về cơ sở khám, chữa bệnh theo luật khám bệnh, chữa bệnh 2023:
– Bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
– Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
– Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn.
– Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.