Thiếu hụt vaccine trong năm 2023
Giai đoạn năm 2016-2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được bố trí kinh phí mua vaccine từ nguồn Chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020. Ngoài nguồn mua vaccine theo hình thức hoạt động của dự án, vaccine được hỗ trợ từ Tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác viện trợ.
Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ nguồn lực từ GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức hỗ trợ do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển, một số loại vaccine viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận.
Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai…
Trong năm 2023, tình hình thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng đã ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng so với những năm trước. Các loại vaccine trong nước thiếu nhiều nhất trong thời điểm từ tháng 10 đến tháng 11. Cụ thể, tỉ lệ tiêm chủng năm 2023 thấp hẳn, chỉ đạt 66,4% tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, trong khi theo quy định hằng năm phải đạt 75%.
Ngoài ra, tỉ lệ bao phủ của vaccine 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib) cũng thấp hơn hẳn so với các loại vaccine khác khi chỉ đạt 52,6%.
Đặc biệt, thấp nhất ở khu vực Tây Nguyên với 19,7%, do ở đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số ít có cơ hội tiếp cận với tiêm chủng dịch vụ.
Giải pháp của Bộ Y tế
PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết: Giữa tháng 12.2023, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận gần 500.000 liều vaccine DPT-VGB-Hib do Chính phủ Úc tài trợ để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho các tháng đầu năm 2024. Đầu năm 2024, chúng tôi sẽ phân bổ ngay gần 500.000 liều vaccine 5 trong 1 này sau khi có giấy xuất xưởng của Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế.
Theo kế hoạch, trong quý I.2024, sẽ ưu tiên cho trẻ ≥ 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất. Tiêm trả mũi 2, mũi ba cho trẻ chưa được tiêm đủ ba mũi vaccine DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, trong quý I.2024, Chương trình tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ bảo đảm an toàn tiêm chủng, đặc biệt một số vaccine phòng chống dịch trong mùa đông- xuân như sởi, rubela…;
Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hồng, có 10 loại vaccine được sản xuất trong nước sẽ được mua bằng cơ chế đặt hàng. Hiện Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã có những bước đi cuối cùng để có được vaccine trong nước. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nhận được nhu cầu vaccine từ các tỉnh, thành phố trong năm 2024 và gối đầu 6 tháng năm 2025, sẽ sớm trình bố trí ngân sách trung ương (thay vì ngân sách nhà nước của địa phương) cung ứng vaccine.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985, nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Tới nay, đã có 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được sử dụng vaccine miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.
Các loại vaccine bao gồm: Vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản.