TS Phạm Đăng Hải – Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Sâu ban miêu (hay còn gọi là ban mao, ban manh), có chứa chất độc là Cantharidin. Với lời đồn không có căn cứ khoa học ăn sâu ban miêu giúp tăng cường sinh lý, nhiều người cánh mày râu đã ăn loài côn trùng này, dẫn đến tình trạng ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc Cantharidin ban đầu hình thành bọng nước ngoài da khi tiếp xúc, tiếp đến tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, tổn thương đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Chất Cantharidin của sâu ban miêu chính là chất gây độc tố, nó gây phồng rộp da khi bị dính lên cơ thể người. Còn người uống hoặc ăn phải sâu ban miêu sẽ có biểu hiện như đau và xót ở dạ dày và ruột, viêm các bộ phận sinh dục và tiết niệu. Người bệnh sẽ có biểu hiện tiểu tiện ít và có máu, dương vật cương cứng trong thời gian dài và cuối cùng là các biểu hiện rối loạn thần kinh, hôn mê và tử vong trong 24 giờ.
Với liều 0,03g cho 1 lần ăn hoặc uống phải hay liều 0,06g bột sâu ban miêu trong 24 giờ, hoặc 0,2mg chất Cantharidin trong 24 giờ đủ để làm chết người. Vì vậy, tuyệt đối không được tự sử dụng trong chữa bệnh để tránh ngộ độc sâu ban miêu.
Để phòng tránh tình trạng ngộ độc do ăn sâu ban miêu, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau: Tuyệt đối không ăn các loại côn trùng lạ, kiểm tra kỹ khi mua rau củ quả để không lẫn sâu ban miêu trong thực phẩm; Cần lưu ý khi sử dụng thuốc đông y vì một số bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc thường có thành phần từ sâu ban miêu; Khi nghi ngờ bị ngộ độc sâu ban miêu, hãy nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Sâu ban miêu là một loại bọ có hình dáng giống bọ xít, độc tính cao có thể dẫn tới ngộ độc nếu dùng sai cách. Sâu ban miêu ở Việt Nam thường được tìm thấy trên thân cây đậu (còn được gọi là sâu đậu).
Ban miêu là một loại bọ cánh cứng, có màu đen, thân hình nhỏ, chiều dài khoảng 1,5 – 3cm chiều ngang khoảng 0,4 – 0,6cm. Đầu của ban miêu hình tim, có một rãnh nhỏ dọc ở giữa đầu, có 11 đốt và râu đen hình sợi. Ở Việt Nam, sâu ban miêu thường sống hoang ở nhiều vùng gồm cả đồi núi và đồng bằng.