Lưu ý về đường huyết khi tập thể dục
Người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm tra chỉ số đường huyết trước khi hoạt động thể chất. Không tập thể dục nếu bạn cần trợ giúp để phục hồi sau khi lượng đường trong máu thấp nghiêm trọng trong 24 giờ qua.
Nếu bạn dùng insulin hoặc các loại thuốc khác có thể gây ra lượng đường trong máu thấp, hãy kiểm tra chỉ số này từ 15 đến 30 phút trước khi tập thể dục.
Cũng cần lưu ý rằng, tập thể dục có thể khiến lượng đường trong máu trở nên quá thấp ở những người dùng insulin. Nguy cơ chỉ số đường huyết quá thấp tồn tại ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 dùng insulin hoặc các loại thuốc khác có liên quan đến việc hạ đường huyết.
Sau khi tập luyện xong vài giờ, bạn nên kiểm tra lại chỉ số đường huyết. Thực tế cho thấy, lượng đường trong máu thấp có thể xảy ra từ 4 đến 8 giờ sau khi tập thể dục. Do đó việc ăn nhẹ với carbohydrate tác dụng chậm hơn sau khi tập luyện có thể giúp ngăn ngừa tình trạng chỉ số đường huyết giảm. Một số đồ ăn mà bạn có thể tham khảo như thanh granola, hỗn hợp đường và trái cây sấy khô, bánh quy giòn, nửa cốc nước ép hoa quả…
Người lớn nên tập thể dục nhịp điệu ít nhất 150 phút/tuần
Để có được lợi ích sức khỏe tốt nhất, người lớn nên tập thể dục nhịp điệu ít nhất 150 phút mỗi tuần. Hoạt động nên có cường độ từ vừa phải đến mạnh mẽ như đi bộ nhanh hoặc đi bộ đường dài, bơi vòng hoặc lớp thể dục nhịp điệu dưới nước, đạp xe, leo cầu thang, khiêu vũ, bóng rổ, quần vợt…
Người trưởng thành cũng nên đặt mục tiêu thực hiện 2 – 3 hoạt động rèn luyện sức mạnh mỗi tuần. Hãy dành cho bản thân ít nhất một ngày để hồi phục sau một buổi tập này.
Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường nên tập thể dục nhịp điệu từ 60 phút mỗi ngày. Thực hiện các hoạt động tăng cường cơ bắp và xương ít nhất 3 ngày một tuần. Một số hoạt động có thể tham khảo gồm kéo co, dùng dây kháng lực, nhảy dây, chạy…