Sức mạnh cơ bắp
Theo chuyên gia Ishaan Arora, huấn luyện viên thể hình tại Ấn Độ, khi bạn nâng tạ sẽ tạo ra những vết rách cực nhỏ trong các sợi cơ. Để phản ứng với tổn thương này, cơ thể bạn sẽ bắt đầu một quá trình gọi là tổng hợp protein cơ (MPS), giúp phục hồi và tăng cường cơ bắp.
Mật độ xương
Nếu bạn tập tạ thường xuyên, lượng osteocalcin mà xương sản xuất ra sẽ tăng lên. Osteocalcin là một dạng protein có vai trò gắn kết canxi chuyên biệt cho xương, có thể phòng ngừa loãng xương và tăng mật độ xương.
Tỷ lệ trao đổi chất và giảm mỡ
Nâng tạ thường xuyên có thể làm tăng khối lượng cơ nạc, từ đó thúc đẩy tỷ lệ trao đổi chất cơ bản (BMR). BMR cao có thể giúp cơ thể bạn đốt cháy nhiều calo, giảm cân hoặc duy trì cân nặng. Ngoài ra, nâng tạ có thể thúc đẩy quá trình giảm mỡ bằng cách tăng mức tiêu hao năng lượng trong và sau khi tập thể dục.
Sức khỏe tim mạch
Theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, tại Mỹ, các bài tập nâng tạ có thể giúp cải thiện chức năng tim mạch và sức bền theo thời gian.
Phòng ngừa chấn thương và sức khỏe khớp
Việc tập luyện các bài tập nâng tạ sẽ tăng cường sức mạnh, tính linh hoạt và khả năng vận động của cơ, dây chằng, gân. Từ đó, tăng cường sự ổn định của các khớp chính như đầu gối, hông và mắt cá chân, đồng thời giảm nguy cơ chấn thương.