Giấc ngủ REM là gì?
Tiến sĩ Prashant, bác sĩ tư vấn tại Bệnh viện Yatharth Super Speciality, Greater Noida cho biết, REM là viết tắt cụm từ Rapid Eye Movement, có ý nghĩa là chuyển động nhanh của mắt.
Có thể hiểu, REM là giai đoạn mắt di chuyển nhanh chóng trong quá trình ngủ. Trong giai đoạn này, não hoạt động mạnh mẽ và khiến chúng ta mơ. REM cũng được xem là giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ.
Mọi người đều có thể trải qua giấc ngủ REM ngay cả vào buổi sáng. Bất kể bạn đi ngủ khi nào, giấc ngủ đều tuân theo một chu kỳ, phụ thuộc vào độ dài và chất lượng của giấc ngủ.
Tiến sĩ Prashant cho biết: “Giấc ngủ REM đặc trưng bởi chuyển động nhanh của mắt và chủ yếu xảy ra trong 90 phút đầu của giấc ngủ. Trong giai đoạn này, hoạt động của não diễn ra bình thường như khi thức nhưng cơ thể vẫn ở trạng thái tê liệt”.
Ông Prashant nói thêm, giấc ngủ REM đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố trí nhớ, giảm căng thẳng và lo âu, tăng cường khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề, đặc biệt có lợi cho những người thường xuyên phải làm việc ca đêm hay phải thức đêm.
Còn theo Tiến sĩ Ishu Goyal, nhà cố vấn – Khoa thần kinh, Bệnh viện Sir HN Reliance, Mumbai (Ấn Độ), giấc ngủ trung bình bao gồm 6-7 chu kỳ và có nhiều giai đoạn khác nhau trong mỗi chu kỳ, như chìm vào giấc ngủ, NREM (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) và REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh).
Trong giấc ngủ REM, não bộ đang tích cực hoạt động để xử lý thông tin nhận được trong ngày và hình thành trí nhớ dài hạn và ngắn hạn.
Rối loạn giấc ngủ REM thường gặp ở các rối loạn thoái hóa như bệnh Parkinson và chứng mất trí, và nó có thể xảy ra trước khi phát bệnh nhiều năm.
“Nếu một người không ngủ đủ giấc, họ có thể gặp các vấn đề về trí nhớ, mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ vào ban ngày và thường xuyên bị đau đầu”, bà Ishu Goyal nói thêm.
Điều gì xảy ra khi bạn không ngủ vào ban đêm?
Tiến sĩ Prashant cho biết, việc bỏ ngủ vào ban đêm sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp.
“Bạn có thể bị các vấn đề về trí nhớ, suy giảm chức năng nhận thức, thời gian phản ứng chậm cùng với sự gián đoạn nhịp sinh học dẫn đến chứng khó tiêu, thay đổi tâm trạng. Nó cũng ức chế hệ thống miễn dịch”, ông Prashant nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Goyal cho biết, giấc ngủ buổi sáng không thể bù đắp cho giấc ngủ REM ban đêm do môi trường nội tiết tố vốn có của cơ thể chúng ta.
Tuy nhiên, nếu một người phải thức đêm thì tốt nhất là nên đảm bảo bạn có một giấc ngủ REM.
Tiến sĩ Goyal lưu ý rằng, trước khi thực hiện giấc ngủ REM vào ban đêm, bạn nên tránh các chất kích thích như caffeine, rượu, thuốc lá.
Mọi người nên cố gắng ngủ từ 1 – 1 tiếng rưỡi vào ban đêm để hoàn thành toàn bộ nhu cầu giấc ngủ REM để bảo vệ sức khỏe.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/loi-ich-cua-giac-ngu-rem-voi-nguoi-thuong-xuyen-thuc-dem-1395497.ldo