Cách đây 5 năm bệnh nhân K.L (31 tuổi, trú tỉnh Gia Lai) được phát hiện tổn thương ở môi và được phẫu thuật cắt bỏ khối u tại bệnh viện địa phương. Sau 3 năm khối u tái phát trong tình trạng đau nhức, chảy máu, có dịch. Do khó khăn về điều kinh tế nên bệnh nhân không điều trị.
Tháng 6.2023, bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trong tình trạng khối u sùi loét lan đến toàn bộ môi trên đến sát trụ mũi và chân 2 cánh mũi, che lấp 1 phần cửa mũi trước, lan rộng ra 2 bên, phía dưới lan đến phần cằm. Việc mở miệng của nạn nhân bị hạn chế, khó khăn trong ăn uống và giao tiếp.
Chẩn đoán, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng xác định khối u có kích thước 65x90x35mm, vùng da môi trên lan rộng, ra 2 bên, xung quanh miệng, môi dưới, cằm, xâm lấn nướu răng hàm trên, hàm dưới, 1 phần xương ổ răng hàm trên, phía trên xâm lấn lỗ mũi ngoài. Nhiều hạch cổ 2 bên có kích thước 10-15mm.
Do khó khăn trong việc há miệng, ăn uống nên bệnh nhân phải thực hiện mở thông dạ dày, nuôi ăn qua sonde (kỹ thuật nhằm mục đích đưa một lượng thức ăn qua một ống sonde được đặt từ mũi, hoặc miệng qua thực quản vào dạ dày).
Bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư môi xâm lấn lan rộng và được bệnh viện điều trị bằng phương pháp hoá trị kết hợp xạ trị.
Sau 6 tháng điều trị, tình trạng sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân đã tự ăn uống qua đường miệng.
Theo bác sĩ Nghiêm Trần Vượng (bác sĩ nội trú Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng), ung thư môi là loại ung thư khoang miệng phổ biến hiện nay. Các triệu chứng dễ nhận biết mà mọi người cần quan tâm, chú ý như vét loét lâu lành, xuất hiện khối u hay thay đổi sắc tố da ở môi. Bất thường không chỉ xuất hiện ở khu vực môi mà còn có thể xuất hiện ở các vị trí như hàm.
“Việc sử dụng thuốc lá, lạm dụng rượu bia, nhiễm HPV và tiếp xúc với tia cực tím (UV) được xem là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng. Vì vậy, khi gặp bất cứ biểu hiện bất thường nào trên cơ thể, bạn cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán sớm”, bác sĩ Vượng chia sẻ.