Chị T.H.P. (38 tuổi, Đồng Nai) trước kia có tính cách vui vẻ, sinh hoạt bình thường mỗi ngày. Tuy nhiên, thời gian qua chị P. chỉ cần leo cầu thang 4-5 bậc sẽ thở dốc, hay không làm gì thì tim cũng đập nhanh thình thịch nghe cảm nhận rõ, kèm với đó là ngủ không sâu giấc, mơ màng, mệt mỏi…
Sức khoẻ xuống nhanh khiến tinh thần của chị dễ cáu gắt và không ổn định, dù là chuyện nhỏ nhặt cũng khiến chị khó chịu.
Chị P. cảm giác không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân, nhiều khi nói nặng lời với người thân, khi bình tĩnh lại chị hối hận, day dứt. Nhiều lần chị muốn khóc để dập “cơn lửa” trong người, chị không hiểu tại sao cuộc sống thay đổi quá nhiều.
Chị P. nghĩ mình mắc “tâm bệnh” do công việc bận rộn nên tìm chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, chị P. lại được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp.
Thạc sĩ bác sĩ CKI Võ Đình Bảo Văn – Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết kết quả xét nghiệm máu cho thấy chị P. bị cường giáp – hormone tuyến giáp tăng cao, bởi tuyến giáp có vai trò quan trọng trong chuyển hóa. Tăng hormone giáp ảnh hưởng đến nhiều chức năng như: thân nhiệt, tim mạch, hệ thần kinh, tinh thần, cơ xương. Sự thay đổi nhanh chóng về nồng độ hormone giáp có thể làm xáo trộn cảm xúc của người bệnh, họ có thể có các triệu chứng như: bồn chồn, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, xúc động, giận dữ, nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần (ít gặp hơn).
Ngoài ra, men gan người bệnh cao gấp 7 lần, cần nhập viện điều trị. Theo bác sĩ Văn, bệnh lý cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có men gan cao. Tăng nồng độ hormone giáp dẫn đến rối loạn chuyển hóa protid, lipid, tăng men gan và có thể hồi phục khi tình trạng cường giáp ổn định.
Chị P. được bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm điều trị thuốc kháng giáp, ức chế tổng hợp hormone tuyến giáp, điều trị men gan cao. Sau 1 tuần điều trị, men gan gần về ngưỡng ổn định, hormone tuyến giáp được kiểm soát, chị P. ăn cơm ngon miệng hơn, bớt mệt, hết hồi hộp đánh trống ngực, tâm trạng vui vẻ hơn. Ngoài ra, người bệnh được trao đổi, chia sẻ, tư vấn để ổn định tâm lý trở lại.
Bác sĩ Văn cho biết người dân có thể nhận biết bệnh cường giáp qua các triệu chứng như luôn có cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, có thể sốt nhẹ 37,5°C – 38°C, lòng bàn tay ấm, ẩm ướt.
Khoảng 50% trường hợp cường giáp bị tiêu chảy không kèm đau quặn với số lượng 5-10 lần/ngày do tăng nhu động ruột và giảm tiết các tuyến của ống tiêu hóa. Ngoài ra, bệnh nhân bị hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh; hoặc có thể đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm khả năng lao động.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/loai-benh-khien-benh-nhan-de-cau-gat-1387242.ldo