Theo TS.BS Bùi Thị Mai Hương – Viện Dinh dưỡng quốc gia, ngày nay thực phẩm chế biến sẵn đóng vai trò quan trọng trong đời sống.
Thực phẩm chế biến sẵn cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho người tiêu dùng đến việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế; Tăng giá trị gia công cho nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ; Tạo ra các sản phẩm mang tính sáng tạo và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng; Quá trình chế biến còn giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng, tiện ích và an toàn cho người sử dụng.
“Thực phẩm chế biến sẽ là xu hướng của xã hội hiện đại trong tương lai” – TS.BS Bùi Thị Mai Hương nhận định. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng thực phẩm chế biến sẵn luôn thường trực một mối lo về hàm lượng dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này.
TS Hương giải thích hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm chế biến sẵn chắc chắn có sự thay đổi trong quá trình chế biến và bảo quản. Cụ thể, hàm lượng này sẽ giảm so với nguyên liệu thô ban đầu. Ví dụ, thực phẩm chứa vitamin A, C, chỉ cần để ngoài ánh sáng cũng có thể làm hao hụt các vitamin này. Quá trình nhiệt (lấy thực phẩm từ nhiệt độ lạnh ra ngoài) cũng làm hao hụt hàm lượng vitamin. Ngoài ra, tùy cách chế biến thì hàm lượng các chất dinh dưỡng cũng sẽ mất dần theo thời gian bảo quản.
Tuy nhiên, với công ty sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, họ có thời gian đánh giá, theo dõi hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm sau khi chế biến, để từ đó công bố thời gian bảo quản, sử dụng cùng với hàm lượng dinh dưỡng.
Nghĩa là người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết được hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm mình lựa chọn trên bao bì của sản phẩm, nếu thực phẩm chế biến sẵn đó được bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Còn nếu sản phẩm đã mở thì thời hạn sử dụng sẽ không kéo dài như trên nhãn bao bì, kể cả với sản phẩm đông lạnh kỹ, chưa rã đông. Các chuyên gia khuyến cáo, đối với các sản phẩm đã mở chỉ nên sử dụng trong 1 tuần sau khi mở.