Các loại hạt dinh dưỡng như hạnh nhân, óc chó, macca, hạt điều… thường có hàm lượng purine thấp, do đó, ăn nhiều loại hạt này sẽ không làm tăng nồng độ axit uric. Thậm chí, có một số loại hạt còn chứa các chất giúp kiểm soát axit uric.
Các loại hạt dinh dưỡng là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, protein và chất béo lành mạnh. Đặc biệt, các loại hạt không được coi là thực phẩm có hàm lượng purine cao nên những người có nồng độ axit uric trong máu cao, người mắc bệnh gút đều có thể ăn các loại hạt dinh dưỡng.
Ngoài hàm lượng purine thấp, các loại hạt còn có thể là nguồn thay thế protein hoàn hảo cho những người mắc bệnh gút đang cần tránh hoặc cắt giảm thịt.
Một nghiên cứu vào tháng 9.2016 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ cho thấy, các loại hạt dinh dưỡng là nguồn cung cấp protein tốt và chúng có tác dụng chống viêm. Trong số hơn 5.000 người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người thường xuyên ăn đậu phộng và các loại hạt khác đều có tình trạng viêm toàn thân thấp hơn.
Một số người tham gia cũng được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống và tiêu thụ 3 phần hạt dinh dưỡng mỗi tuần thay vì thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, trứng hoặc ngũ cốc tinh chế. Kết quả cũng cho thấy, tình trạng viêm giảm đáng kể.
Các loại hạt có ít purine, nhiều protein và có tác dụng chống viêm rất có lợi cho người có nồng độ axit uric cao, bệnh gút. Tuy nhiên, các loại hạt cũng có nhiều calo và chất béo nên chúng ta phải kiểm soát khẩu phần ăn của mình.